Sở GDCK Hà Nội vừa công bố thông tin về việc đăng ký mua lượng lớn cổ phần qua chào bán cạnh tranh cổ phiếu AFX của CTCP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang.
Một cá nhân muốn mua toàn bộ 17,85 triệu cổ phần Afiex
Trước đó, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo đăng ký bán toàn bộ 17,85 triệu cổ phiếu AFX (tỷ lệ 51%) tại CTCP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang (Afiex) để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch thực hiện ngoài hệ thống, từ 20/11 đến 18/12/2020.
Đây là số cổ phần AFX mà SCIC muốn chào bán cạnh tranh cả lô cổ phần.
Cũng liên quan đến việc chào bán cạnh tranh, một cá nhân, ông Hứa Minh Trí có địa chỉ tại số 178/10/2 đường số 6, phường 7, quận Gò vấp, Tp Hồ Chí Minh vừa gửi thông báo đăng ký mua lượng lớn cổ phần qua chào bán cạnh tranh.
Theo đó, ông Hứa Minh Trí đăng ký mua toàn bộ 17,85 triệu cổ phiếu AFX tương ứng 51% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Afiex. Hiện tại ông Hứa Minh Trí không phải là cổ đông nội bộ của Afiex.
Cổ phiếu AFX tăng 71% từ đầu tháng 11
Trên thị trường, cổ phiếu AFX bất ngờ tăng mạnh từ đầu tháng 11 đến nay với tỷ lệ tăng khoảng 71%, từ vùng giá 7.700 đồng/cổ phiếu lên 13.200 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu AFX trong 6 tháng gần đây.
SCIC muốn thoái vốn giá cao
Đáng chú ý, trước dó, giai đoạn giữa tháng 8/2020, trước thông tin SCIC muốn bán toàn bộ 17,85 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 18.900 đồng/cổ phiếu, thoái vốn khỏi Afiex - cổ phiếu AFX đã tăng mạnh.
Thời điểm đó, AFX đã giao dịch một thời gian dài ở vùng giá 4.000 đồng đến 6.000 đồng/cổ phiếu bất ngờ tăng mạnh hơn gấp đôi lên đến 12.000 đồng/cổ phiếu sau đó hạ nhiệt về quanh mức 8.000 đồng/cổ phiếu trước khi tăng trở lại từ đầu tháng 11 đến nay.
Tình hình kinh doanh
Afiex là doanh nghiệp được thành lập vào năm 1990 theo quyết định của UBNN tỉnh An Giang. Doanh nghiệp được điều chuyển về SCIC từ cuối năm 2015 để được tái cơ cấu do lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2015 là 16,2 tỷ đồng.
Sau 4 năm tái cơ cấu, doanh nghiệp thực hiện thanh lý các tài sản không hiệu quả, cơ cấu khoản nợ vay, đầu tư tài chính, tăng thu hồi công nợ… Việc tái cơ cấu, thanh lý tài sản đã giúp công ty có lãi trong 2016-2017 với 23 tỷ đồng, xóa được lỗ lũy kế và có thể chia cổ tức tỷ lệ 3,5%. Sang năm 2018, do dừng thanh lý tài sản, hoạt động kinh doanh chính suy giảm khiến lãi ròng chỉ đạt 6 tỷ đồng, giảm 74% so với năm 2017. Dù vậy, năm này Afiex vẫn chia cổ tức tỷ lệ 1,5%. Tuy nhiên tình hình kinh doanh năm 2019 không thuận lợi khi dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, nuôi cá tra cũng không khởi sắc do giá bán thấp... nên công ty chỉ lãi tính hơn trăm triệu đồng.
Năm 2020 Afiex đặt mục tiêu đạt gần 925 tỷ đồng doanh thu và kế hoạch lãi sau thuế 9,3 tỷ đồng. Kết quả, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đạt 598 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 8 tỷ đồng, hoàn thành 86% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.