CTCP XNK Thủy sản An Giang (Agifish – mã chứng khoán AGF) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh năm tài chính 2017 – 2018 với số lỗ gần 190 tỷ đồng trong năm. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Agifish báo lỗ lớn (năm trước đó lỗ 187 tỷ đồng), nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối kỳ lên trên 282 tỷ đồng. Năm tài chính của Agifish bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau.
Tính riêng quý 4 doanh thu Agifish đạt 200 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ và Agifish báo lỗ 20 tỷ đồng trong quý 4 cuối năm. Số lỗ nay giảm hơn rất nhiều so với con số 191 tỷ đồng ghi nhận trong quý 4 năm trước đó.
Tính chung, năm tài chính 2017-2018 doanh thu Agifish đạt gần 1.285 tỷ đồng, giảm đến 43% so với năm trước đó. Trong khi đó, năm nay công ty đã kinh doanh dưới giá vốn. Chi phí giá vốn bỏ ra đến 1.327 tỷ đồng, dẫn tới Agifish đã lỗ gộp 42,6 tỷ đồng riêng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Trong kỳ doanh thu tài chính giảm 15,4 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính cũng giảm được gần 19 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm dâu gần một nửa so với cùng kỳ, con hơn 69 tỷ đồng còn chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm đến 83%, còn gần 17,5 tỷ đồng. Ngoài ra trong kỳ Agifish còn ghi nhận âm 15,4 tỷ đồng lợi nhuận khác trong khi cùng kỳ chỉ âm chưa đến 1 tỷ đồng.
Những nguyên nhân trên dẫn đến Agifish ghi nhận lỗ sau thuế gần 190 tỷ đồng trong năm tài chính 2017-2018 - tăng lỗ 3,5 tỷ đồng so với con số lỗ hơn 187 tỷ đồng cùng kỳ, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối kỳ lên 282 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Agifish báo lỗ.
Lượng hàng tồn kho cuối năm giảm mạnh còn 125 tỷ đồng, tương ứng chỉ còn chưa đến 1/4 so với đầu kỳ, trong đó tồn kho nguyên liệu còn chưa đến 12 tỷ đồng, và gần 102 tỷ đồng tồn kho thành phẩm.
Trước đó trên BCTC soát xét bán niên năm tài chính 2017-2018 kiểm toán đã đưa ý kiến ngoại trừ về việc Công ty chưa trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi với số tiền gần 97 tỷ đồng và việc liên quan đến dựa trên khoản lỗ lũy kế tại thời điểm 31/3/2018 gần 258 tỷ đồng dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Agifish đã lên tiếng giải trình về những vấn đề trên, cho rằng qua quá trình đàm phán với khách hàng thì khoản nợ trên có khả năng thu hồi, đồng thời cho rằng công ty đang thực hiện giảm bớt các vùng nuôi có hoạt động nuôi trồng không hiệu quả để giảm gánh nặng nguồn vốn lưu động... Agifish cho rằng công ty sẽ khắc phục được khoản lỗ lũy kế hiện tại, lãnh đạo Agifish nhấn mạnh BCTC được lập trên cơ sở hoạt động liên tục.
Tuy nhiên mới đây nhất Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đưa cổ phiếu AGF vào diện bị tạm ngừng giao dịch từ 7/11/2018 do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện bị kiểm soát đặc biệt.
Xem thêm BCTC