Tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tổ chức hôm nay (26/12), ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank , cho biết, hiện tổng dư nợ của ngân hàng đã đạt mức gần 1 triệu tỷ đồng, trong đó, 70% dư nợ dành cho nông nghiệp nông thôn, chiếm 50% tổng tín dụng dành cho nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống.
Vốn điều lệ của ngân hàng hiện ở mức 30 nghìn tỷ đồng và ở mức thấp nhất trong 4 ngân hàng TMCP Nhà nước.
Lãnh đạo Agribank cho biết, trong thời gian qua, ngân hàng đã cố gắng tiết giảm chi phí và ưu tiên vốn lưu động cho tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, ngân hàng cũng đang gặp áp lực không thể thực hiện được nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Cụ thể, ông Vượng cho hay, nếu không kịp thời tăng vốn điều lệ thì ngân hàng không thể sắp xếp được nguồn vốn để triển khai có hiệu quả, đồng bộ Nghị định 116.
Theo đó, lãnh đạo Agribank đề nghị NHNN quan tâm hỗ trợ ngân hàng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tăng vốn điều lệ, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa để Agribank có thể nâng cao năng lực, đảm bảo hệ số an toàn vốn.
Được biết, Agribank là một trong số các doanh nghiệp Nhà nước nằm trong danh sách thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ngân hàng này sẽ được cổ phần hóa và Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65% vốn điều lệ.
Đến cuối tháng 8 năm nay, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, ngân hàng này đã chuẩn bị cho quá trình cổ phần hoá và chỉ đang đợi phê duyệt của NHNN để thực hiện. Dự kiến, phương án cổ phần hóa của Agribank được phê duyệt vào ngày 1/10 và đến cuối năm 2018 sẽ xác định xong giá trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Chủ tịch Agribank cũng thừa nhận sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo đó, phương án chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng sớm nhất phải đến năm 2020 mới có thể làm.