Trước đó, ngày 9-11, sau khi ông Lê Bạch Hồng, nguyên Tổng giám đốc BHXH Việt Nam bị bắt giữ đã có một số trang thông tin điện tử đề cập đến việc Agribank đứng ra bảo lãnh cho ALCII vay vốn của BHXH Việt Nam, đồng thời quy kết “ALCII bị tuyên phá sản, Agribank phải có trách nhiệm trả nợ thay cho ALCII”.
Ngay sau đó đã có những tin đồn thất thiệt rằng Agribank phá sản tại một số địa phương. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp đã xảy ra hiện tượng công nhân xin nghỉ việc để đến ngân hàng rút tiền. Trước tình hình trên, Agribank đã kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương như sau:
Thực hiện Đề án tái cơ cấu Agribank, ngày 30-5-2016, ALCII đã đệ đơn lên tòa án xin tuyên bố phá sản. Ngày 31-7-2018, Tòa án Nhân dân TPHCM đã ra Quyết định tuyên bố phá sản đối với ALCII. Ngày 12-10-2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của ALCII. Theo quyết định của Tòa án nhân dân TPHCM, Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Sen Việt là đơn vị được giao nhiệm vụ quản tài viên xử lý công nợ liên quan đến ALCII.
ALCII là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có tư cách pháp nhân độc lập; các sai phạm diễn ra trong giai đoạn 2006-2008 đã được phát hiện và xử lý từ nhiều năm trước. Agribank khẳng định, việc phá sản ALCII không ảnh hưởng đến hoạt động của Agribank cũng như tiền gửi của khách hàng tại Agribank. Sau giai đoạn tái cơ cấu, hoạt động kinh doanh của Agribank an toàn, hiệu quả. Lợi nhuận trước thuế của Agribank tăng dần qua các năm. Năm 2016 đạt 4.212 tỷ đồng; năm 2017 đạt 5.018 tỷ đồng, 10 tháng năm 2018 đạt 6.000 tỷ đồng.
Về vấn đề liên quan đến ALCII, Báo cáo kiểm toán năm 2011 của Kiểm toán Nhà nước đối với BHXH Việt Nam đã có kết luận cụ thể; cơ quan cảnh sát điều tra đang xác minh làm rõ; Tòa án nhân dân TPHCM và Tòa án cấp cao đang xử lý theo trình tự. Agribank sẽ thông tin đầy đủ tới các cơ quan thông tấn báo chí ngay sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.