Kinh tế xanh – xu hướng tất yếu của xã hội Là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững, Việt Nam đang dần xoay chuyển sang hướng tăng trưởng xanh. Đây được xác định là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế theo định hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển hạ tầng để cải thiện tính hiệu quả của nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nghèo và tạo động lực tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Từ năm 2012, Trung ương đã có chuyên đề thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 đặt ra nhiệm vụ tổng quát cho cả nhiệm kỳ 2016-2020 đó là “bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu”, đồng thời nhấn mạnh việc nâng cao sức tăng trưởng, đổi mới sáng tạo phát triển nhanh và bền vững, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mắt xích quan trọng thực hiện chiến lược này là hệ thống tài chính ngân hàng. Theo đó, hệ thống ngân hàng sẽ quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ các khu vực kinh tế hoạch định nhằm phát triển kinh tế bền vững thông qua các chính sách tín dụng xanh. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của ngành Ngân hàng. Năm 2014, Thủ tướng ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020.
NHNN được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ: “Hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các NHTM phục vụ tăng trưởng xanh”. Năm 2016, điểm nhấn đáng lưu ý là cam kết INDC của Việt Nam (Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định) và Quyết định số 2053/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. NHNN được giao phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ: “Đẩy nhanh việc áp dụng các công cụ tài chính như chương trình tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh và theo đó có bộ tiêu chí về dự án xanh”.
Chung tay cùng hành động, năm 2015, NHNN ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Cùng với đó ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. NHNN cũng đã hợp tác với IFC (Tổ chức phát triển tài chính toàn cầu lớn nhất) xây dựng bộ hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngày 7/8/2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Đề án 1604) nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo đề án, phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/ bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
Với sự vào cuộc tích cực của hệ thống các tổ chức tín dụng, đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018; trong đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh. Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh chiếm 46% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 15% tổng dư nợ tín dụng xanh; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% tổng dư nợ tín dụng xanh và lâm nghiệp bền vững chiếm 5% tổng dư nợ tín dụng xanh.
Agribank thúc đẩy “xanh hóa” tín dụng Là NHTM dẫn đầu cho vay nông nghiệp, nông thôn (nguồn vốn Agribank hiện chiếm 51% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam), Agribank nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm... Chính vì vậy, Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank đã ngay lập tức vào cuộc triển khai thông qua các hành động cụ thể như: Ban hành văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng nhằm chỉ đạo toàn hệ thống, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường – xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng...
Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường, xã hội… Bên cạnh đó, Agribank đã tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn ĐBSCL và miền Trung Tây Nguyên… Mới đây, Agribank được chỉ định là Ngân hàng phục vụ dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR). Mục tiêu của Dự án FMCR là cải thiện quản lý rừng ven biển nhằm tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; đồng thời kéo dài, nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm lâm nghiệp, cải thiện sinh kế cho người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng ven biển bao gồm 257 xã của 47 huyện thuộc 8 tỉnh, với sự tham gia, hưởng lợi của 900 cộng đồng, tương đương 27.000 hộ gia đình.
Đặc biệt, để đón “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, bắt đầu từ tháng 11/2016, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch”. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quy định hiện hành của NHNN và Agribank. Kết quả, đến cuối tháng 9/2019, dư nợ lĩnh vực này tiếp tục ổn định và đạt 5.221 tỷ đồng, doanh số cho vay chương trình này đạt trên 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Agribank đồng hành với chương trình “Nông nghiệp sạch” do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia (VTV1) với mong muốn góp phần nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đã và đang dần được hình thành trên toàn quốc, từ đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của hàng nông sản Việt Nam.
Trên thực tế, từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang được hình thành trên khắp mọi vùng, miền đất nước: mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)… và các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân. Ghi nhận những đóng góp của Agribank trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, mới đây, ngày 27/11/2019, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Việt Nam) đã vinh danh Agribank là Ngân hàng tiêu biểu VIệt Nam 2019, hạng mục "Ngân hàng hỗ trợ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao năm 2019".
Ứng dụng công nghệ để “xanh hóa” hoạt động ngân hàng Trên thực tế, bản thân hoạt động của các ngân hàng cũng tác động trực tiếp tới môi trường. Nhận thức được điều đó, Agribank thông qua việc ứng dụng công nghệ để phi chứng từ hóa các phương tiện thanh toán, áp dụng ngân hàng điện tử trực tuyến... góp phần thúc đẩy tín dụng xanh. Trên nền tảng công nghệ, Agribank đã triển khai hàng loạt sản phẩm dịch vụ thanh toán hiện đại như: Thanh toán biên mậu với các quốc gia có chung đường biên giới; thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại, với Kho bạc Nhà nước; thu ngân sách nhà nước với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước; thanh toán hóa đơn; chuyển khoản, thanh toán hóa đơn qua tin nhắn SMS; Internet Banking; E-Mobile Banking; thẻ thanh toán…, góp phần tích cực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Năm 2019, Agribank có 2 sản phẩm đạt giải Sao Khuê dành cho hạng mục hệ thống CNTT xuất sắc trong lĩnh vực ngân hàng là: Hệ thống thanh toán Kiều hối tập trung (ARS) và Hệ thống tính toán hoá đơn (BillPayment); và đây là lần thứ 4 Agribank vinh dự được nhận giải thưởng uy tín này. Đến nay, Agribank đã đóng góp tổng cộng 07 dịch vụ hệ thống CNTT xuất sắc trong lĩnh vực Ngân hàng gồm: Ứng dụng Agribank E Mobile Banking, Thẻ Chip chuẩn EMV, Nộp thuế điện tử, Thanh toán Biên mậu qua Internetbanking, Thanh toán song phương giữa Agribank và Kho bạc Nhà nước, ARS và BillPayment.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Agribank đã cung cấp nhiều sản phẩm ngân hàng tiện ích như: Dịch vụ ngân hàng lưu động, Internet Banking, MobileBanking, QR Pay, rút tiền bằng mã code, gửi tiền và mở sổ tiết kiệm qua kênh ATM/CDM…, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch nhanh chóng và tiện lợi hơn. Cụ thể, thời gian qua, nhóm dịch vụ ngân hàng điện tử E-banking của Agribank có sự tăng trưởng mạnh mẽ, phát huy đà tăng trưởng tốt của những năm trước. Đến nay, đã có khoảng gần 6 triệu khách hàng sử dụng các dịch vụ này.
Với hệ thống mạng lưới rộng khắp toàn quốc, cơ sở khách hàng lớn, Agribank đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thiết bị kỹ thuật và phần mềm ứng dụng trong cung ứng dịch vụ. Đến 30/6/2019, ngân hàng đã trang bị 2.885 máy ATM được phân bổ khắp toàn quốc và 21.850 máy EDC/POS, kênh phân phối các sản phẩm dịch vụ thẻ ngày càng trở nên quen thuộc với khách hàng bởi sự thuận tiện, nhanh chóng và an toàn, các tiện ích ngày càng mở rộng, góp phần quan trọng trong phát triển mạng lưới thanh toán. Agribank triển khai mở rộng dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ không tiếp xúc mang thương hiệu Visa và Master Card tại POS Agribank. Agribank kết nối dịch vụ thanh toán với một số ví điện tử đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Agribank đồng thời trang bị trên toàn hệ thống hệ thống ngân hàng tự động Autobank CDM. Khách hàng có thể gửi tiền, rút tiền và sử dụng đồng thời các tiện ích khác vào tất cả các thời gian trong ngày kể cả ngày nghỉ lễ từ ngân hàng tự động Autobank CDM.
Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số là điều tất yếu nhằm giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục giấy tờ liên quan, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng khi khách hàng có thể chủ động thực hiện giao dịch trên môi trường internet. Agribank đã và đang cùng ngành ngân hàng ngày càng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển các sản phẩm dịch vụ, đem lại những tiện ích vượt trội cho khách hàng, đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, cũng như góp phần để “xanh hóa” hoạt động ngân hàng.