Ngày nay, giới tinh hoa (giới "elite") luôn là chủ đề tâm điểm của báo chí. Nhưng họ là ai và chúng ta biết gì về họ vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Một nghiên cứu mới mang tên "Ai cai trị thế giới? Chân dung các nhà lãnh đạo toàn cầu" đã giải đáp hết những bí ẩn trên. Mấu chốt của nghiên cứu nằm ở việc khai thác thông tin từ hệ thống dữ liệu mới thuộc dự án các nhà lãnh đạo toàn cầu. Hệ thống này bao gồm 145 quốc gia và thông tin tiểu sử của 38.085 nhà lãnh đạo, tổng cộng lên tới 1,1 triệu điểm dữ liệu. John Gerring, Erzen Oncel, Kevin Morrison và Daniel Pemstein - các học giả tại một số tổ chức hàng đầu, sau đó đã khai phá dữ liệu này để vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về tầng lớp tinh hoa hiện đại.
Ai được coi là tầng lớp tinh hoa toàn cầu?
Thông thường, đó là những nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của đất nước, các nhà điều hành chính trị, bộ trưởng nội các, nhân viên điều hành, lãnh đạo đảng, lãnh đạo hội đồng, thẩm phán tòa án tối cao và các thành viên của quốc hội. Tầng lớp này cũng bao gồm cả các nhà lãnh đạo được chỉ định không qua bầu cử như vua, lãnh đạo tôn giáo, chỉ huy quân sự, CEO của các công ty lớn và người đứng đầu các tổ chức phi chính phủ.
Vậy đặc điểm của tầng lớp tinh hoa là gì?
81% tầng lớp tinh hoa là nam, 91% đã kết hôn và có độ tuổi trung bình là 55. Họ thông thạo khoảng hai ngôn ngữ, với hơn một phần ba nói tiếng Anh. Họ thường đã hoàn thành bậc đại học, với gần một nửa theo hệ thống giáo dục ở phương Tây. Bằng cấp phổ biến nhất của họ là về kinh tế / kinh doanh / quản lý hoặc luật. Phần lớn đã từng làm công việc văn phòng hoặc là chính trị gia trước khi bước vào giới lãnh đạo. Thông thường, họ kiếm được gấp 13 lần mức thu nhập trung bình quốc gia.
Còn đặc điểm của giới tinh hoa chính trị thì sao?
Giới tinh hoa chính trị có xu hướng già hơn (trung bình 61 tuổi), và phần lớn là nam giới (92%) và thông thạo tiếng Anh (59%). Họ có xu hướng được giáo dục ở nước ngoài, hơn là trong nước. Ngoài ra, họ có khả năng nghiên cứu về kinh tế / kinh doanh / quản lý (35%) nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Đa số cũng thuộc tầng lớp trí thức hoặc tầng lớp chính trị.
Sự khác biệt theo vùng miền
Sự khác biệt về giới tính, tình trạng hôn nhân và tuổi tác là tương đối nhỏ giữa các vùng. Ở châu Âu, sự khác biệt có xu hướng cân bằng hơn các vùng Trung Đông và Bắc Phi. Giới tinh hoa ở châu Mỹ và MENA (khu vực Trung Đông/Tây Nam Á) thường thông thạo ít ngôn ngữ nhất. Trong khi giới tinh hoa ở MENA hầu hết là tầng lớp tri thức, thì ở Châu Phi, đó lại là tầng lớp thiểu số. Số lượng các nhà lãnh đạo thuộc tầng lớp trí thức ít nhất là ở Châu Phi, trong khi nhiều nhất là ở Mỹ. Về thu nhập, giới tinh hoa ở các nước phát triển chỉ bằng ba lần mức trung bình quốc gia, còn ở các nước đang phát triển, sự chênh lệch là 17 lần. Châu Phi là khu vực có giới tinh hoa nắm giữ mức thu nhập cao nhất, với con số gấp 35 lần mức trung bình quốc gia.
Một số quan sát khác
Tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ả Rập là các ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi ngay sau tiếng Anh. Bên cạnh đó, phần lớn người thuộc tầng lớp tinh hoa có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giáo dục hơn truyền thông hoặc quân sự. Hoạt động chính trị phổ biến nhất của giới tinh hoa là trong các đảng chính trị. Chỉ 7% không có liên quan đến chính trị.
Lời kết
Hệ thống dữ liệu cùng nghiên cứu này đã góp phần quan trọng trong việc khái quát sơ lược về tầng lớp tinh hoa toàn cầu. Qua đó, cho thấy sự thống trị của đàn ông trung niên trên khía cạnh kinh tế. Câu hỏi được đặt ra là liệu việc loại trừ các sự kiện dân túy những năm gần đây ra khỏi hệ thống dữ liệu có làm thay đổi bức tranh này hay không? Chỉ thời gian mới có thể cho chúng ta trả lời.
Tham khảo Business Insider