Sai phạm kéo dài
Xin nhắc lại rằng từ năm 2012, Khu LHTTQG Mỹ Đình đã được Bộ VH-TT&DL cho phép thực hiện tự chủ về tài chính. Trước đó, theo thông báo số 42/TB-VPCP ngày 3/3/2011 của Văn phòng Chính phủ kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Bộ VH-TT&DL, Mỹ Đình cũng được phép thí điểm sử dụng cơ sở vật chất, quỹ đất để thực hiện liên doanh, liên kết nhằm huy động nguồn vốn từ các tổ chức cá nhân.
Sau đó, tới ngày 13/6/2011, Bộ VH-TT&DL và UBND Tp Hà Nội cũng có kết luận ủng hộ Khu LHTTQG thí điểm liên doanh, liên kết khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ngày 22/9/2011, Bộ Tài chính có công văn thống nhất với chủ trương của Bộ VH-TT&DL.
Tuy nhiên, ở đây cần nhấn mạnh rằng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng thời yêu cầu hoạt động khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất phải đảm bảo mục tiêu phát triển văn hoá, thể thao và du lịch. Quá trình thực hiện, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản “nhắc” Khu LHTTQG cần đảm bảo các yêu cầu cụ thể, như: đề án sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết phải phù hợp và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phù hợp với quy định được duyệt, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất, và đảm bảo hài hoà với cảnh quan xung quanh; và cần thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với phần diện tích đất sử dụng vào liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật về đất đai…
Trên thực tế, Khu LHTTQG đã cho thuê đất tràn lan, gây ảnh hưởng tới mỹ quan, trật tự đô thị, khiến chính quyền địa phương phải nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính nhưng không xong. Hoạt động cho thuê mở quán bia hơi, massage… cũng gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo thông báo của Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm thì số tiền thuê đất ngắn hạn Mỹ Đình phải truy thu (tạm tính) trong các năm qua lên tới hơn 314 tỷ đồng, chưa tính nợ thuế các liên doanh dài hạn hơn 69 tỷ đồng. Khu LHTTQG Mỹ Đình cho biết không có khả năng chi trả, đồng nghĩa nguy cơ nhà nước thất thoát số tiền rất lớn.
Doanh nghiệp “khóc ròng”
Tại cuộc làm việc với Tổng cục TDTT và Khu LHTTQG Mỹ Đình hôm 27/9 vừa qua, các doanh nghiệp đã phản đối kế hoạch thu hồi đất theo thời hạn ngày 30/9 này của Khu LHTTQG. Các doanh nghiệp cho rằng đã phải đầu tư hàng tỷ đồng cải tạo đất đai sau khi thuê đất để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một doanh nghiệp cho biết, năm 2011 ký hợp đồng 5 năm với Khu LHTTQG nhưng sau đó “hợp đồng chưa ráo mực thì Khu LHTTQG thay đổi xuống 3 tháng, rồi 1 năm, một thời gian lại chuyển thành 6 tháng 1 lần”.
Đại diện một doanh nghiệp (xin không nêu tên) hôm qua nói với Tiền Phong: “Chúng tôi được biết có chủ trương về việc Khu LHTTQG được quyền cho thuê đất, khai thác cơ sở vật chất. Chính vì vậy dù hợp đồng ngắn hạn nhưng doanh nghiệp hiểu là khi chưa có dự án thì có thể làm ăn lâu dài. Vì vậy chúng tôi mới dám ký hợp đồng. Nay nếu bị thu hồi thì thiệt hại, chúng tôi không biết kêu ai”.
Theo đại diện doanh nghiệp này, kiến nghị của Sở Tài nguyên-môi trường vừa qua cũng không có nội dung yêu cầu thu hồi lại đất mà chỉ tập trung 2 điểm. Một là Khu LHTTQG Mỹ Đình cần thực hiện cho thuê đất đúng thủ tục, và 2 là cơ chế về giá cả. “Chúng tôi mong muốn được hoạt động hợp pháp, đóng thuế đầy đủ theo quy định pháp luật. Doanh nghiệp chúng tôi làm ăn rất khó khăn nhưng vẫn sẵn lòng đồng hành cùng Khu LHTTQG để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật”- đại diện doanh nghiệp trên nói.
Toàn bộ sai phạm của Khu LHTTQG Mỹ Đình diễn ra trong giai đoạn của Giám đốc Cấn Văn Nghĩa, nhưng từ ngày 1/9 vừa qua, ông Nghĩa đã nghỉ hưu. Câu hỏi đặt ra lúc này là ai chịu trách nhiệm đối với những vi phạm của Khu LHTTQG, cũng như giải quyết lợi ích cho doanh nghiệp chịu thiệt hại?