Bộ phận phân tích của công ty chứng khoán SSI vừa có báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam 8 tháng đầu năm 2019.
Trái phiếu doanh nghiệp sôi động, hơn 129 nghìn tỷ đã được chào bán ra thị trường
Theo nhận định chung của SSI, thị trường trái phiếu đang ngày càng sôi động với sức nóng tăng lên từ cả phía cung và phía cầu. Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN, thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/2/2019 với nhiều điểm mới đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho thị trường TPDN.
Ngoài ra, các chính sách từ NHNN như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay với 1 khách hàng không quá 15% vốn tự có, điều chỉnh hệ số rủi ro với cho vay BĐS… đã tạo ra sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ kênh huy động tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2018 có 224.000 tỷ đồng TPDN phát hành, tăng 94,5% so với 2017, tổng quy mô thị trường TPDN là 474.500 tỷ đồng – tương đương 8,6% GDP, cao hơn nhiều so với mức 6,9% GDP của năm 2017. Sự sôi động của thị trường TPDN trong năm 2018 tiếp tục được duy trì trong 8 tháng đầu năm 2019.
Theo ước tính của SSI, trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng lượng chào bán trái phiếu là 129.016 tỷ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%, quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP.
Các ngân hàng đang mua chéo trái phiếu của nhau?
Chủ thể phát hành lớn nhất trên thị trường trái phiếu vẫn là các ngân hàng thương mại với tổng giá trị phát hành là 56.060 tỷ đồng (chiếm 47,9%); tiếp đó là các doanh nghiệp Bất động sản phát hành 36.946 tỷ đồng (chiếm 31,5%); các doanh nghiệp phát triển hạ tầng phát hành 9.207 tỷ đồng (chiếm 7,9%); các định chế tài chính phi ngân hàng phát hành 4.423 tỷ đồng (chiếm 3,8%); còn lại là các doanh nghiệp khác.
Ngân hàng cũng là nhóm có tỷ lệ phát hành thành công cao nhất (99,6%), ngoại trừ Seabank có 2 lô phát hành ngày 8/5 và 19/6/2019 là 1.000 tỷ đồng và 900 tỷ đồng không bán hết (lượng phát hành tương ứng 950 tỷ đồng và 700 tỷ đồng), tất cả 10 NHTM còn lại đều bán hết 100% lượng trái phiếu chào bán.
Trong khi đó, thống kê về bên mua trái phiếu, các ngân hàng cũng mua vào 10.210 tỷ đồng trái phiếu – tương đương với 8,8% tổng lượng giá trị phát hành trong đó chủ yếu là mua các trái phiếu BĐS và phát triển hạ tầng.
Đáng lưu ý, các công ty chứng khoán là bên mua lớn nhất với tổng lượng mua 29.447 tỷ đồng – chiếm 25,4% tổng lượng phát hành, trong đó mua 22.900 tỷ đồng trái phiếu do các NHTM phát hành. Tuy nhiên, theo SSI, lượng mua này quá lớn so với quy mô vốn của các CTCK, bản thân các CTCK này cũng phải huy động trái phiếu để tăng vốn nên khả năng cao các CTCK chỉ là trung gian, tham gia mua trên sơ cấp để bán lại trên thứ cấp chứ không phải là người mua cuối cùng.
Theo phân tích của SSI, với hiện tượng đối tượng mua chủ yếu là các CTCK thì rất có thể các NHTM đã sở hữu chéo các trái phiếu của nhau, mục đích là để gia tăng nguồn huy động và nâng cao tỷ trọng vốn trung và dài hạn, đối phó với yêu cầu giảm tỷ trọng vốn ngắn hạn cho vay trung vào dài hạn của NHNN.
Theo BCTC bán niên 2019 của 18 NHTM niêm yết cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng mà các NHTM nắm giữ tăng thêm tới 56,4 nghìn tỷ, con số khá tương đồng với lượng trái phiếu các NHTM đã phát hành. Với mức lãi suất trung bình chỉ 6,72%/năm, tức là chỉ tương đương lãi suất huy động của các NHTM lớn – nhóm có lãi suất huy động thấp nhất thì trái phiếu của các NHTM hầu hết không hấp dẫn với các NĐT thông thường.
Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội tổng hợp kết quả kiểm toán 2018, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, hệ số an toàn vốn (CAR) toàn hệ thống ngân hàng chưa thực sự tin cậy. Cụ thể, kiểm toán cho rằng loại trừ các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng được NHNN mua 0 đồng; một số ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau, làm “cải thiện ảo” hệ số CAR.