Ngã Sáu Phù Đổng – vị trí đắt đỏ bậc nhất không chỉ tại Tp.HCM mà ở cả Việt Nam là nơi chứng kiến sự đến – đi của nhiều chuỗi F&B như Soya Garden, Phúc Long, PhinDeli,… Đặc biệt là mặt bằng tại 325 đường Lý Tự Trọng (Bến Thành - Quận 1) - với việc sở hữu hai mặt tiền, giá thuê những năm qua dù đắt đỏ nhưng luôn được tranh giành quyết liệt và liên tục tăng sau mỗi lần “qua tay” một thương hiệu.
Thông tin lan truyền từ các môi giới cho biết, Phúc Long đã thuê mặt bằng này 5 năm với giá 14.000 USD/tháng. Sau đó, cả Soya Garden và PhinDeli đều được thuê với giá 25.000 USD/tháng. Và hiện tại, mặt bằng này đang được MIA – thương hiệu vali thuê lại với giá 26.000 USD/tháng (khoảng 700 triệu đồng).
Vậy đứng sau MIA là ai, kinh doanh thế nào mà bạo tay chi 700 triệu đồng/tháng cho vị trí đất vàng – nơi vốn được coi là cuộc tranh đua của các đại gia?
Mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2014, thương hiệu MIA được điều hành bởi Công ty Cổ phần TGA, người đại diện là ông Trần Xuân Quang. Ông Trần Anh Tuấn được giới thiệu là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty năm 2014 tới nay.
Ông Trần Anh Tuấn - CEO MIA
Ông Trần Anh Tuấn sinh năm 1985, theo học ngành Kiến trúc – Công trình tại Đại học Văn Lang, sau khi nghỉ học tại Đại học Yersin Đà Lạt. Từ khi còn là sinh viên năm thứ hai, ông đã tập tành kinh doanh balo, túi xách. Sau 2-3 năm, tưởng chỉ buôn bán cho vui, đủ tiền đóng học phí nhưng cửa hàng nhỏ trong ngõ của cậu sinh viên khi ấy đã có doanh thu lên đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng.
Sau khi tốt nghiệp, thay vì đi theo chuyên ngành ở Đại học, Trần Anh Tuấn quyết định tiếp tục kinh doanh, nhưng mở một tầm cao hơn. Ông nhận thấy việc bán hàng xuất khẩu, hàng dư không bền vững vì đụng đến thương hiệu, bản quyền. Trong khi đó, mặt hàng vali, balo du lịch còn nhiềm tiềm năng – vốn chưa có nhiều nhà phân phối, hàng hóa đa phần được trưng bày trong trung tâm thương mại, phân khúc lại khá cao khó tiếp cận người tiêu dùng phổ thông. Đó là lý do MIA ra đời.
MIA tập trung phân phối mặt hàng vali, túi du lịch thuộc phân khúc tầm trung có mức giá 1-2 triệu đồng/chiếc , với chất lượng tốt hơn hẳn “hàng chợ” cùng mức giá. MIA cho biết mình là hệ thống phân phối mặt hàng vali, balo chính ngạch công ty nước ngoài và cũng tiên phong sản xuất tại Tp.HCM vào thời điểm đó.
Giai đoạn 2014-2019, MIA duy trì phong độ bằng việc mở rộng 2-3 cửa hàng mỗi năm, đỉnh điểm là năm 2018 với 6 cửa hàng mới. Tuy nhiên, hành trình mở rộng chuỗi này không phải lúc nào cũng thuận lợi, đặc biệt với một doanh nghiệp trẻ.
“Mở 5-6 cửa hàng rồi thì mình phải dừng lại một tý, để cập nhật kiến thức về bán lẻ trước khi mở thêm các cửa hàng từ 7-9. Đến cửa hàng 10-12, mình lại gặp nhiều vấn đề giải quyết, từ con người đến văn hóa công ty ”, CEO Trần Anh Tuấn từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn. Có thời điểm, công ty thuê chuyên gia về đào tạo cho nhân viên. Tuy nhiên, 30% nhân sự đã rời đi vì không thích ứng được với những thay đổi.
Thời đỉnh điểm, MIA có 26 cửa hàng, 250 nhân viên. Tuy nhiên, giống như các chuỗi bán offline khác, thương hiệu này cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid. Chia sẻ trong một bài phỏng vấn với Thanh Niên, ông Trần Anh Tuấn cho biết, làn sóng dịch Covid đầu tiên đã khiến MIA lỗ gần 10 tỷ đồng mỗi tháng. Sau đó, chuỗi này quyết định đóng 7 cửa hàng và cắt giảm nhân viên khối văn phòng. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này cho biết có 18 chi nhánh trên cả nước, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và Tp.HCM.
Những chiến dịch quảng cáo đắt đỏ
Với tất cả các tên tuổi như Soya Garden, Phúc Long, PhinDeli,... hay cả MIA hiện tại, việc thuê mặt bằng tại “đất vàng” Ngã Sáu Phù Đổng không chỉ nhằm mục tiêu kinh doanh đơn thuần mà là một cách quảng bá thương hiệu.
Theo ông Tuấn, đội ngũ MIA cũng đã làm rõ nếu tính cả các chi phí như nhân viên – mặt bằng thì doanh số cửa hàng này bao nhiêu một tháng mới hòa vốn và có lời. Từ khi khai trương đến nay, mặc dù doanh số chưa đột phá như kỳ vọng nhưng cửa hàng cũng gần hòa vốn và xem như MIA không tốn tiền làm branding.
Không chỉ có cửa hàng tại Ngã Sáu Phù Đổng, MIA còn mạnh tay thực hiện các chiến dịch quảng cáo gắn liền với nhièu cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam. Không khó để nhìn thấy những chiếc vali gắn thương hiệu MIA được các Hoa hậu, Á hậu mang theo trong các chuyến đi tham gia cuộc thi quốc tế.
Đại gia ô tô Thành Công báo doanh thu 5 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng trong năm 2022
Đơn cử, không lâu sau khi Nguyễn Thúc Thùy Tiên mang về chiếc vương miện Miss Grand đầu tiên về cho Việt Nam, MIA đã nhanh nhẹn mời nàng hậu này về làm đại sứ thương hiệu và thực hiện các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi kèm theo. Điều này tương tự top 3 cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022. Nhiều người nổi tiếng khác như ca sĩ Thủy Tiên, cầu thủ Quang Hải... từng trở thành KOL cho thương hiệu này.
Mạnh tay chi tiền cho các chiến dịch quảng bá, MIA cho biết mục tiêu ít nhất 70% người Việt Nam mua sản phẩm của công ty. Theo ông Tuấn, “hiện traffic website của MIA khoảng 1 triệu, chúng tôi lên sàn TMĐT nào là trở thành Top 1”.