Tuần trước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với gói An sinh xã hội lên tới 62.000 tỷ đồng.
Trong đó 6 nhóm đối tượng được nhận trợ cấp với tổng số tiền chi ngân sách dự kiến khoảng 35.880 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng sẽ hỗ trợ người sử dụng lao động tổng hạn mức vay 16.200 tỷ đồng, với lãi suất 0% để trả lương công nhân.
Liên quan đến gói vay vốn lãi suất 0%, Nghị quyết quy định rõ đối tượng được vay là: Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Được biết khoản 16.200 tỷ đồng nói trên sẽ do Ngân hàng Nhà nước bố trí tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay.
Trong Bộ Luật lao động, khoản 3 Điều 98 ghi rõ: Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng được quy định trong Nghị định 90/2019/NĐ-CP được áp dụng từ 1/1/2020 ở 4 vùng cụ thể như sau: Vùng I (khu vực thành phố, đô thị thuộc các quận thị nội thành) là 4.420.000 đồng; Vùng II (khu vực huyện thị thuộc các tỉnh thành phố) là 3.920.000 đồng; Vùng III (các huyện thị, thị xã thuộc các tỉnh) là 3.420.000 đồng; vùng IV (vùng nông thôn, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn) là 3.070.000 đồng.
Trước đó vào cuối tháng 3, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng đã có công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL gửi các doanh nghiệp, các đơn vị trực thuộc hướng dẫn trả lương cho người bị ngừng việc do Covid-19 trong các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phải cho lao động nghỉ việc.
Công văn nêu rõ, do tác động bởi dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất khiến hàng nghìn người lao động phải ngừng việc. Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định.
Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp, người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly… thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động. Theo đó, tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động.
Trong trường hợp nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động. Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.
Đối với những trường hợp phát sinh khác, Bộ LĐ-TBXH đề nghị các sở căn cứ từng nội dung và trường hợp cụ thể để hướng dẫn giải quyết theo đúng quy định của pháp luật hoặc báo cáo về Bộ để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.