Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của trí thông minh nhân tạo (AI) hay các trang mạng xã hội, nhiều ngành kinh tế, trong đó có công nghiệp tin tức đang đứng trước nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Người Đồng Hành, ông Prasanna Lal Das - Chuyên gia quản lý tri thức trưởng thuộc Ngân hàng Thế giới cho rằng AI không phải là mối đe dọa lớn đối với vấn đề việc làm ngành công nghiệp tin tức truyền thống.
ÔngPrasanna Lal Das - Chuyên gia quản lý tri thức trưởng thuộc Ngân hàng Thế giới
"Nhiều người tỏ ra lo ngại rằng với sự xuất hiện của AI, nhiều lao động ở các ngành nghề trong đó có cả trong ngành báo chí sẽ thất nghiệp. Tuy nhiên, tôi không nghĩ vậy, thậm chí tôi cho rằng AI còn giúp cải thiện tính cạnh tranh trong báo chí", ông Prasanna Lal Das nói.
Ông cho rằng chính phủ các nước nên nhìn vào mặt tích cực của AI từ đó giải quyết những lo ngại mặt trái của công nghệ này và áp dụng nó vào trong đời sống. Ông Prasanna Lal Das cho biết hiện nay có nhiều hãng tin áp sử dụng AI để tự động cập nhật tin "nóng" hoặc phân biệt fake news (tin giả mạo).
Theo tờ The Next Web, năm ngoái một dự án có tên RADAR – Reporters and Data and Robots (phóng viên, dữ liệu và robot) của Hiệp hội Báo chí Anh đã thu hút khoản tiền đầu tư trị giá 807.000 USD từ Google. Với dự án này, hệ thống AI sẽ dựa trên nguồn dữ liệu mở kết hợp với biên tập viên để đưa "những tin tức thời sự hấp dẫn". Hệ thống này sẽ giúp sản lượng tin/bài trong một tháng của một tờ báo có thể tăng lên tới 30.000.
Ảnh minh họa: The BookShed
Sau khi dự án RADAR – Reporters and Data and Robotsthu hút sự chú ý của Google, nhiều phóng viên tỏ ra lo lắng rằng mình sẽ mất việc vào tay robot. Tuy nhiên, Biên tập viên Pete Clifton của Hiệp hội Báo chí Anh cho rằng không nên quá lo lắng. "Tôi đảm bảo rằng AI sẽ không khiến nhà báo trở nên lỗi thời. Những phóng viên có kỹ năng vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành RADAR. Hệ thống này sẽ cho phép chúng ta tận dụng AI để mở rộng thêm số lượng tin/bài mà con người không thể cung cấp".
Trả lời phỏng vấn về việc liệu sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội có là mối đe dọa đối với báo chí hay không, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet cho biết ông không đồng tình với ý kiến này. "Tôi cho rằng giữa các hình thức truyền thông khác nhau hướng tới đối tượng đọc giả khác nhau chứ không phải cạnh tranh hoặc "làm hại" lẫn nhau. Điều quan trọng là các hãng truyền thông phải lựa chọn cũng như tối ưu hóa đối tượng khách hàng của mình".
Ông Liên cho rằng thuật ngữ "người máy" hay "trí thông minh nhân tạo" chỉ là cách nói. Tất cả hệ thống dù thống thông minh thế nào đi nữa vẫn phải do con người điều khiển. Hơn thế nữa, con người sẽ làm những công việc mà AI không thể làm. Lúc đó, AI sẽ chỉ là công cụ thay thể con người ở một số công việc nhất định.
"Việc áp dụng AI trong xử lý thông tin báo chí là điều cần thiết, không thể không ứng dụng", ông Liên nhận định. Tuy nhiên, ứng dụng AI cũng cần phải làm từng bước để đảm bảo sự cân đối giữa công nghệ với khả năng con người. Nếu con người không đủ khả năng quản lý hiệu quả khi áp dụng những công nghệ thông minh thì điều này có thể dẫn tới con người đánh mất tầm kiểm soát và việc đầu tư trở nên đắt đỏ và lãng phí. Ngược lại, khi con người biết tận dụng và quản lý AI hiệu quả trong báo chí thì khi đó việc chi trả một khoản đầu tư lớn để thu lại hiệu quả công việc cũng hẳn là "đắt".