Báo cáo Giao thông Sân bay Thế giới của Airports Council International dự đoán rằng Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng hành khách nhanh nhất trong giai đoạn 2017-2040. Trong top 10, Việt Nam xếp trên Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines, Indonesia và Malaysia.
Sân bay Nội Bài - Hà Nội (đứng thứ 5) và Tân Sơn Nhất - Thành phố Hồ Chí Minh (đứng thứ 10) cũng được xếp hạng trong 10 sân bay tăng trưởng nhanh nhất thế giới về hành khách. Riêng Nội Bài tăng trưởng nhanh đứng top 4 cả về khối lượng hàng hóa.
Báo cáo cũng cho biết, lượng hành khách toàn cầu ước tính đạt tới 8,8 tỷ trong năm 2018, tăng 6,4% so với năm 2017. Lưu lượng hành khách quốc tế tăng nhanh hơn lưu lượng hành khách nội địa (6,7% so với 5,5%).
Các chính sách bảo hộ và cô lập đã càn quét một số nền kinh tế lớn trong thời gian gần đây. Trong khi đó, hàng không lại có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế toàn cầu và phát triển địa phương thông qua thương mại và du lịch, nên những rào cản mới này chắc chắn sẽ kìm hãm dòng người, hàng hóa và dịch vụ được vận chuyển thông qua hàng không.
Với sự bất ổn của các nền kinh tế lớn, báo cáo cho thấy thị trường hàng hóa hàng không cũng như lưu lượng hành khách chịu tác động rõ rệt của các bức tường thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ. Hàng không thế giới hiện đang phải phụ thuộc rất nhiều vào các thị trường mở khác để phát triển.
Nếu căng thẳng thương mại còn tiếp tục leo thang, tác động bất lợi của chúng sẽ tiếp tục kìm hãm sự tăng trưởng hàng không ở nhiều quốc gia. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hoặc mang gánh nặng nợ cao hơn sẽ nhạy cảm nhất với các tác động tiêu cực. Hiệu ứng lan truyền của một cuộc suy thoái kinh tế có thể nhanh chóng lan rộng sang lĩnh vực hàng không.
Nhiều quốc gia ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu vận tải hàng không, khiến các sân bay gần như bão hòa, thậm chí là quá tải. ACI cho rằng, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện có cùng với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới là điều cần thiết để các sân bay có thể đáp ứng nhu cầu và nâng cao hiệu quả.
Trong quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để cải thiện trải nghiệm của hành khách và thúc đẩy hàng không cạnh tranh hơn, các quốc gia cũng phải đối mặt với những thách thức về tài chính.
ACI cho rằng, tại các sân bay trên khắp thế giới, đầu tư tư nhân đang là giải pháp khả thi cho các lỗ hổng cơ sở hạ tầng sân bay toàn cầu, đặc biệt là khi tài chính công còn hạn chế. Tuy nhiên báo cáo cũng cho biết việc phân bổ đầu tư cần được áp dụng phù hợp với tình hình địa phương.
Sự tăng trưởng liên tục trong nhu cầu vận tải hàng không cũng có tác động lớn đến lực lượng lao động hàng không toàn cầu. Theo đánh giá của CAE - một công ty dịch vụ đào tạo hàng không, sẽ cần 255.000 phi công mới để duy trì và phát triển ngành vận tải hàng không thương mại trên toàn cầu vào năm 2027.