Alibaba Group là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc tận dụng sức ảnh hưởng của những nhân vật nổi tiếng trên các nền tảng phát video trực tuyến và mạng xã hội để bán các sản phẩm từ son môi cho đến điện thoại thông minh trên nền tảng thương mại điện tử của mình tại Trung Quốc. Hiện tại, “ông lớn” công nghệ này mong muốn có thể nhân rộng công thức thành công đó ra phạm vi toàn thế giới, với sự trợ giúp của hàng triệu người có tầm ảnh hưởng (hay còn gọi là KOL) trên các diễn đàn trực tuyến như TikTok và Instagram.
AliExpress, nền tảng thương mại dành cho đối tượng khách hàng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, đang tổ chức tìm kiếm những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội nhằm mục tiêu quảng bá những sản phẩm đang được bày bán trên các gian hàng trực tuyến của công ty trên toàn thế giới. Công ty đặt mục tiêu tìm kiếm khoảng 100.000 nhà sáng tạo nội dung trong năm nay để gia nhập AliExpress Connect, nền tảng mới được giới thiệu rộng rãi đến công chúng của hãng.
Alibaba đang tìm kiếm những influencer để bán hàng trên nền tảng của họ trên khắp thế giới. Ảnh: Bloomberg
Alibaba cũng lên kế hoạch hợp tác với hơn một triệu người có tầm ảnh hưởng trên mạng trong vòng 3 năm tới. Nền tảng mới này sẽ được tích hợp tiện ích giúp kết nối những người nổi tiếng với các thương hiệu, các chủ gian hàng, những người muốn quảng bá sản phẩm của mình. Giai đoạn này, công ty đang tập trung phát triển tính năng này tại khu vực châu Âu, nơi người dùng tại các quốc gia như Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan chiếm phần lớn tổng lượng người dùng của công ty.
Alibaba hy vọng có thể lặp lại sự thành công mà công ty đã gặt hái được khi hợp tác với các nhân vật có tầm ảnh hưởng (KOL) nhằm mục đích thúc đẩy doanh số của trang thương mại điện tử Taobao mà công ty này sở hữu tại thị trường Trung Quốc.
“Đối với cả Taobao và AliExpress, những nội dung đăng tải trên xã hội là một phương thức hiệu quả để quảng bá đa dạng các sản phẩm hàng hóa, chứ không phải cách để tạo ra doanh thu”, Yuan Yuan, Giám đốc điều hành AliExpress, chia sẻ với Bloomberg News. Những người có tầm ảnh hưởng sẽ giúp người dùng gắn kết hơn với nền tảng thương mại điện tử thay vì chỉ lên mua hàng một lần duy nhất. “Mục tiêu là thu hút thêm nhiều người dùng, giữ chân họ và khuyến khích họ tích cực hoạt động trên nền tảng đó”.
Công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc hiện tại chỉ mới thu về một phần nhỏ doanh thu từ hoạt động kinh doanh tại nước ngoài, nhưng tham vọng “xâm chiếm” thị trường bán lẻ hàng hóa trực tuyến toàn cầu đã được công ty “nuôi dưỡng” trong nhiều năm qua. Bước tiến mới này đánh dấu những nỗ lực của Alibaba nhằm hiện thực hóa tham vọng của mình và nó diễn ra vào đúng thời điểm dịch Covid-19 đã góp phần tạo ra đà phát triển mạnh mẽ cho các nền tảng mạng xã hội. Các đối thủ của công ty, bao gồm ByteDance, đơn vị chủ quản của TikTok, và Pinduoduo Inc, được hậu thuẫn bởi Tencent, cũng đang cạnh tranh quyết liệt với ứng dụng Taobao Live trên sân chơi video trực tuyến và các hình thức thương mại trên mạng xã hội.
Các ông lớn mạng xã hội toàn cầu, ví dụ như Facebook, cũng đã bổ sung một số tính năng mới nhằm tạo thuận lợi cho quá trình mua sắm trên không gian mạng. Tại Mỹ, hơn 75 triệu người dùng mạng xã hội ít nhất 14 tuổi được dự đoán sẽ mua hàng online ít nhất một lần trong năm 2020, tăng 17% so với năm 2019, theo dữ liệu cung cấp bởi công ty nghiên cứu thị trường eMarketer.
Những nhân vật có ảnh hưởng cũng như các nhà sáng tạo nội dung có thể đăng ký tài khoản Connect thông qua tài khoản TikTok, Instagram, Facebook và nhiều mạng xã hội khác. Sau đó, họ có thể nhận được những yêu cầu hợp tác từ các chủ gian hàng trên AliExpress nếu như họ có nhu cầu quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của mình. Các KOL sẽ có quyền được lựa chọn hình thức quảng cáo, từ đăng tải lại bài viết trên mạng xã hội của người bán cho đến tự mình sáng tạo ra những nội dung mới. Tiền phí sẽ được tính dựa trên nguồn doanh thu mà KOL đó giúp các chủ gian hàng tạo ra.
AliExpress là một trong hai nền tảng thương mại điện tử của Alibaba phục vụ cộng đồng người tiêu dung quốc tế. Nền tảng còn lại chính là Lazada, hoạt động chủ yếu tại thị trường Đông Nam Á. Các chủ gian hàng trên AliExpress phần lớn là những doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ tại Trung Quốc, nhưng những nhãn hiệu quốc tế như Samsung và Oral-B cũng đã và đang tích cực thiết lập các cửa hàng trên nền tảng này, nhắm vào những thị trường vùng. Những thị trường lớn nhất của nền tảng này Nga, Mỹ, Brazil và Tây Ban Nha.
Yuan cho biết AliExpress đặt mục tiêu sẽ giúp đỡ ít nhất 100 KOL trong tổng số hơn một triệu KOL đang hoạt động trên nền tảng này có thể đạt mức thu nhập 1 triệu USD trong vòng 3 năm. “Chỉ khi họ có thể kiếm tiền, họ mới cảm thấy có động lực để sáng tạo ra những nội dung hấp dẫn trên nền tảng của chúng tôi”, bà cho biết.