Theo nguồn tin của Forbes, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ phát hành một loại tiền ảo do chính phủ hỗ trợ và cấp phép phân phối cho 7 đơn vị.
Chia sẻ với Forbes, Paul Schulte, cựu giám đốc chiến lược tài chính toàn cầu của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, cho biết 7 đơn vị trên bao gồm Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Bank of China, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, hai hãng công nghệ tài chính lớn nhất nước này - Alibaba và Tencent, và Union Pay - hội liên hiệp các ngân hàng tại Trung Quốc.
Theo một nguồn tin khác của Forbes, công nghệ đằng sau tiền ảo này đã được phát triển hoàn tất từ năm ngoái và có thể được ra mắt tiền ảo vào ngày Lễ Độc thân 11/11 tới, ngày hội mua sắm lớn nhất năm tại Trung Quốc.
Khi tiền ảo được ra mắt, các đơn vị trên sẽ có trách nhiệm phân phối tới 1,3 tỷ người dân Trung Quốc cũng như những người đang sử dụng đồng Nhân dân tệ. Nguồn tin cũng cho biết thêm rằng PBOC kỳ vọng tiền ảo này cuối cùng có thể tới tay người tiêu dùng tại Mỹ và các quốc gia khác thông qua quan hệ của các nhà băng trên ở phương Tây.
Kế hoạch sử dụng nhiều tổ chức có uy tín để phân phối tiền ảo của Trung Quốc khá tương đồng với một số dự án tiền ảo trên thế giới hiện nay. Ví dụ, mạng xã hội Facebook cũng dự định phát hành tiền ảo Libra thông qua sự hỗ trợ của các ngân hàng trung ương cùng các công ty như Mastercard và Uber ở Mỹ, Vodaphone ở Anh và Mercado Pago ở Argentina.
Tuần trước, thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney cũng đưa ra ý tưởng về một đồng tiền tệ được hỗ trợ bởi các ngân hàng trung ương nhằm thay thế đồng USD làm tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Trong bài phát biểu hôm 10/8 tại Diễn đàn Tài chính Trung Quốc 40, Mu Changchun, phó giám đốc Bộ phận Thanh toán của PBOC, cho biết sau khi công nghệ của tiền ảo này hoàn tất vào năm 2018, ngân hàng trung ương nhận ra có sự tương đồng trong thiết kế và công nghệ với đồng Libra.
Nhưng theo Mu, điểm khác biệt quan trọng là Libra được thiết kế để xử lý 1.000 giao dịch mỗi giây, còn tiền ảo của Trung Quốc có thể xử lý 300.000 giao dịch/giây. Ông lấy ví dụ về ngày Lễ Độc thân năm 2018 với cao điểm lên tới 92.771 giao dịch mỗi giây, là một thách thức với các nền tảng khác nhưng DC/EP hoàn toàn có thể hỗ trợ.
Mu cho biết tiền ảo của PBOC có thể xử lý lượng giao dịch khổng lồ bởi nó không sử dụng "công nghệ chuỗi khối (blockchain) thuần túy", do đó không cần phải đợi đủ lượng giao dịch để đưa vào một khối (block). Tiền ảo này sẽ được quản lý tập trung bởi PBOC và không giống đồng Bitcoin - sử dụng thuật toán để giới hạn nguồn cung, chính PBOC sẽ quản lý nguồn cung. Tiền ảo này được phát triển để thay thế tiền mặt trong lưu thông và quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.