PBOC đang chuẩn bị cho ra mắt đồng CNY kỹ thuật số của riêng mình, có thể đây sẽ là NHTW đầu tiên trên thế giới phát hành đồng tiền số quốc gia. Để làm được điều này, PBOC phải "hạ gục" các đối thủ là Alipay của Ant Financial và WeChat Pay của Tencent để có được thị phần trong ngành thanh toán trực tuyến 27 nghìn tỷ USD của nước này.
Tại Trung Quốc, dịch vụ thanh toán điện tử có mặt ở khắp mọi nơi, được sử dụng cho rất nhiều loại dịch vụ khác nhau từ vé xe buýt, cửa hàng tiện lợi cho đến các khu chợ địa phương. 94% trong số các giao dịch đó được kiểm soát bởi 2 công ty.
Tuy nhiên, tính ưu việt của khu vực tư nhân đang dần trở nên khó nhận thấy dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bởi vậy, sắp tới sẽ là một khoảng thời gian khó khăn đối với các "đại gia" công nghệ. Một loại ví điện tử được NHTW hậu thuẫn có thể làm suy yếu nghiêm trọng các dịch vụ thanh toán vốn là "trái tim" trong hoạt động kinh doanh của Ant và Tencent.
Zhu Chen, nhà sáng lập của công ty tư vấn tài chính và nghiên cứu Wisburg, nhận định: "NHTW đang nỗ lực lấy lại thế mạnh đã mất, vì đơn giản là họ không thể để các công ty tư nhân kiểm soát các khoản thanh toán ở trung tâm hệ thống tài chính." Chen dự đoán rằng PBOC có thể chiếm tới 1/3 ngành thanh toán của nước này và sẽ là đòn giáng mạnh đối với WeChat Pay và Alipay.
Hiện tại, vẫn còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng về mối đe doạ của đồng CNY kỹ thuật số đối với các dịch vụ thanh toán trực tuyến của nước, bao gồm cả mức độ hài lòng và sẵn sàng sử dụng của khách hàng. Các giám đốc điều hành của 2 công ty chưa đưa ra bình luận công khai, dù Ant Financial đã làm việc với các cơ quan quản lý về việc này.
PBOC hiện vẫn chưa đưa ra thời gian hoặc kế hoạch cụ thể đối với đồng CNY kỹ thuật số, nhưng các bài phát biểu của giới chức cho thấy đồng tiền số sẽ hoạt động như thế này: Người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tải xuống một ứng dụng ví điện tử, tải token từ tài khoản của họ ở một ngân hàng thương mại - tương tự như sử dụng máy ATM. Sau đó, họ sử dụng đồng tiền này như tiền mặt để thanh toán.
Loại mã token của đồng CNY kỹ thuật số khác so với chức năng của dịch vụ thanh toán qua điện thoại hiện có, về cơ bản là yêu cầu xử lý theo quy trình đối với tài khoản ngân hàng giống như thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng. Mã token của NHTW, nếu được chấp nhận, sẽ giúp các cơ quan quản lý của Trung Quốc theo dõi cung tiền của quốc gia tốt hơn.
Thanh toán qua điện thoại cho hoạt động tiêu dùng chiếm 16% GDP của Trung Quốc, trong khi ở Mỹ chỉ là 1% vì thẻ tín dụng phổ biến hơn. Khi Trung Quốc gần như trở thành một quốc gia không sử dụng tiền mặt, thì chính quyền đã chú ý nhiều hơn tới các công ty cung cấp dịch vụ tài chính. Dịch Cương - Thống đốc NHTW Trung Quốc, cho hay: "Các công ty công nghệ lớn tạo rất nhiều rủi ro và thách thức đối với chúng tôi. Nhìn vào 'cuộc chơi này', những kẻ chiến thắng sẽ có được tất cả, bởi vậy, độc quyền là một thách thức."
Zhu giải thích rằng nếu các nhà quản lý của Trung Quốc nhìn nhận thanh toán là một lĩnh vực có tầm chiến lược quan trọng, thì nhà nước sẽ nhắm mục tiêu vào ít nhất 1/3 thị phần để nắm giữ quyền kiểm soát. Tính hữu ích của dịch vụ thanh toán đối với người dân Trung Quốc đã được chứng minh, được ưa chuộng đến mức Tencent và Alipay đều sẵn sàng rót hàng tỷ USD vào ngành này để chiếm thị phần. Dù có chịu cảnh thua lỗ, vì miễn phí cho người dùng nhưng chịu phí từ ngân hàng, nhưng dịch vụ thanh toán là một hướng đi quan trọng để "giữ chân" gần 1 tỷ người dùng và sẵn sàng mua các dịch vụ tài chính khác.
Các nhà quản lý của Trung Quốc đã phải kiềm chế sự bành trướng của Alipay và WeChat Pay bằng trong lĩnh vực kinh doanh béo bở nhất của họ - lãi suất thu về từ dịch vụ ký quỹ. PBOC cũng giành lại quyền hạn của mình trong lĩnh vực thanh toán bù trừ, yêu cầu tất cả các hệ thống của bên thứ 3 phải kết nối với Nets Union Clearing Corp. mà họ ra mắt vào năm 2018. Yu nhận định động thái này ngăn chặn một cách hiệu quả việc 2 công ty tài chính trở thành "NHTW thứ hai" và cho rằng tạo ra ranh giới với họ là điều cần thiết.
Dẫu vậy, việc "soán ngôi" của những "gã khổng lồ" ngành fintech lại không hề dễ dàng. Trong nhiều năm, người dùng đã kết nối thẻ tiết kiệm trong ngân hàng của họ với các ứng dụng này, cùng một loạt các dịch vụ thanh toán hữu dụng khác, để thanh toán hàng ngày. Alipay và WeChatPay đều có hơn 900 triệu người dùng tại Trung Quốc.
Phần đơn giản của kế hoạch phát hành tiền số của PBOC là mã token có thể được sử dụng để thay thế đồng CNY hiện tại, một phần trong nỗ lực chống rửa tiền. Tuy nhiên, nếu PBOC muốn giành được thị phần lớn hơn trong thị trường dịch vụ thanh toán, họ sẽ phải xây dựng một mạng lưới mà các đối tác sẵn sàng trực tiếp chấp nhận mã token. Theo Ryan Zheng - đồng sáng lập của RIverPay, công ty hỗ trợ Alipay và WeChat pay kết nối với các merchant, điều này đòi hỏi rất nhiều bước phức tạp.
Rủi ro đối với PBOC là việc chấp nhận sự thay đổi đó lại không được ủng hộ mạnh mẽ, và sẽ làm giảm uy tín của NHTW. Đó cũng là mối lo ngại của nhiều NHTW trên toàn thế giới đang cân nhắc về thanh toán online và tiền số.