Vào giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe diễn ra sớm hơn và kết thúc muộn hơn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do nhu cầu mua sắm, vận chuyển vào thời điểm cuối năm tăng cao. Bên cạnh đó, cao ốc, trung tâm thương mại hiện nay mọc lên khắp nơi trong khi hạ tầng chưa được mở rộng để đáp ứng hiện trạng.
Liên tục trong tuần qua, đường Nguyễn Duy Trinh đoạn trước cảng Phú Hữu kéo dài đến vòng xoay Mỹ Thủy (Q.2) xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông nghiêm trọng. Các dòng xe tải, container, xe du lịch nối đuôi nhau nhích từng chút, dù không phải giờ cao điểm.
Nguyên nhân kẹt xe, theo ghi nhận, do vào dịp cuối năm, lượng hàng hóa đổ dồn về cảng Phú Hữu (Q.9) tăng cao dẫn đến lượng phương tiện ra vào cảng tăng đột biến.
Các tuyến đường như Mai Hữu Thọ, bắt đầu từ đoạn dẫn vào đường cao tốc, đường Nguyễn Duy Trinh, Đồng Văn Cống đều thường xuyên bị kẹt cứng.
Lưu thông vào một số tuyến đường tại quận 2 đều là nỗi ám ảnh của cánh tài xế và người dân. Đặc biệt, khu vực đường dẫn vào cảng Cát Lái luôn kẹt xe trầm trọng.
Đoạn đường nối từ Mai Chí Thọ (Q.2) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng kẹt xe nghiêm trọng cả hai chiều. Vào khoảng từ 18h các ngày cuối tuần, có mặt tại tuyến này, dù không phải giờ cao điểm nhưng các phương tiện chôn chân nhiều giờ liền. Do dồn ứ quá nhiều dẫn đến tuyến đại lộ Mai Chí Thọ (đoạn từ đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến hầm sông Sài Gòn) cũng bị ùn ứ hơn 2 km.
Đường vào cảng Cát Lái, quận 2.
Tình trạng kẹt xe càng về trưa càng nghiêm trọng khiến hàng nghìn người vất vả chôn chân dưới trời nắng nóng. Nhiều người chạy xe máy cố tình leo lên vỉa hè, thảm cỏ để thoát kẹt khiến giao thông càng trở nên hỗn loạn.
Tương tự, xa lộ Hà Nội (Q.Thủ Đức) cũng thường xuyên xảy ra ùn ứ do lưu lượng phương tiện tăng cao, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội lại chưa hoàn thành. Lượng hàng đổ về cảng ICD Phước Long tăng đột biến dịp cuối năm kéo theo xe tải, container... ra vào dày đặc nên càng thêm kẹt.
Ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, dòng xe lưu thông trên xa lộ Hà Nội theo hướng từ Suối Tiên vào trung tâm TPHCM tăng đột biến, đặc biệt là lượng xe tải và container.
Đến khoảng 8h sáng, dòng xe bắt đầu ùn ứ từ ngã tư Thủ Đức (quận Thủ Đức) đến ngã ba Cát Lái (quận 2). Hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút một.
Tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), tình trạng kẹt xe nghiêm trọng thường xuyên diễn ra từ khung giờ 6h-8h sáng và 4h-8h chiều tối hàng ngày. Tại đây, một phần do tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối từ quận 1 về khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) tương đối nhỏ trong khi lưu lượng xe quá lớn. Song song đó, đây lại là một trong những tuyến đường có số lượng cao ốc "mọc" lên rất nhanh và dày đặc của TP.HCM, gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng giao thông.
Giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) cũng là một trong 10 điểm đen kẹt xe nghiêm trọng tại TP.HCM.
Từ năm 2015 TP.HCM đã có chủ trương đầu tư dự án hầm chui ngay giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, do vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng mà dự án vẫn chưa đươc triển khai xây dựng.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, giải pháp đã được các cơ quan chức năng đưa ra rất nhiều nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả. Trên thực tế, TP.HCM đã có nhiều giải pháp để chống kẹt xe, thậm chí nhiều chỉ đạo của các cơ quan từ Trung ương cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên, TP.HCM dường như vẫn chưa nhận dạng được nguyên nhân của thực trạng kẹt xe trên địa bàn.