Giới chức nước này đã áp dụng một trong những quy định phong toả nghiêm ngặt nhất trên thế giới, ngay từ trước khi ghi nhận 1 ca tử vong và các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đều được cách ly để dịch bệnh không vượt khỏi tầm kiểm soát.
Mới đây, Thủ tướng Jacinda Arden phát biểu tại Wellington rằng: "Chúng ta đang có cơ hội để làm một điều gì đó mà không có quốc gia nào có được, đó là loại bỏ virus này." Ngoài ra, bà cũng cảnh báo về việc nới lỏng lệnh hạn chế quá sớm. Thứ Hai tuần tới, bà Ardern sẽ đưa ra quyết định về việc bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế hay không.
Mục tiêu của quốc đảo này không phải là không nhận được ý kiến chỉ trích, khi nhiều người cho rằng điều này thực sự là điều không thực tế và sẽ gây thiệt hại khủng khiếp cho nền kinh tế. Ngay cả khi New Zealand thành công, thì họ vẫn phải đóng cửa biên giới với nhiều nơi trên thế giới trong một thời gian đáng kể, nhằm tránh mầm bệnh lây lan. Yếu tố này sẽ khiến ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, trong khi đây là nguồn thu nhập ngoại hối lớn nhất của New Zealand.
Một con phố không bóng người ở Wellington.
Theo Michael Baker – giáo sư khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Otago, trọng tâm trong cách tiếp cận của New Zealand là một thực tế mà hầu hết các lãnh đạo phương tây đều né tránh. Ông cho biết: "Biện pháp này là, khi có ai đó nhiễm bệnh, nếu họ được cách ly nhanh chóng và khoanh vùng các trường hợp đã tiếp xúc, thì bạn có thể cách ly nhóm người đó và ngăn chặn chuỗi lây lan. Đối với bệnh cúm, bạn không thể thực sự làm điều đó, bởi ở thời điểm tìm được những người đã từng tiếp xúc thì đã quá muộn, họ đã lây cho những người khác."
Ông cho hay, tuy nhiên, hầu hết các quốc gia lựa chọn cách tiếp cận với Covid-19 là giảm thiểu sự lây lan, chứ không phải "xoá sổ" hoàn toàn. Các nước như Anh và Mỹ đã lựa chọn nỗ lực giảm thiểu như vậy, sau khi chứng kiến số ca nhiễm tăng đột biến.
Phản ứng ban đầu của New Zealand cũng giống như vậy. Ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, bà Ardern cũng nói về cách "làm phẳng đường cong" để đảm bảo hệ thống y tế có thể ứng phó. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi vào ngày 23/3, khi bà tuyên bố phong toả toàn quốc trong 4 tuần, tức là chỉ sau 2 ngày nhắc đến cách ứng phó trên. Bà cho biết nếu không có biện pháp này thì "hàng chục nghìn người New Zealand có thể tử vong."
Các ngành công nghiệp ngừng sản xuất, trường học đóng cửa và các cửa hàng duy nhất được phép mở cửa là siêu thị, một số cửa hàng tạp hoá gần khu dân cư và hiệu thuốc. Ở giai đoạn đó, New Zealand chỉ ghi nhận 102 ca nhiễm và chưa có ca tử vong. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia đã sử dụng biện pháp này chỉ sau khi số người chết tăng vọt. Khi Anh tuyên bố phong toả vào ngày 23/3, thì nước này đã có tới 6.650 người nhiễm và 335 ca tử vong.
Người dân New Zealand được yêu cầu đi học hoặc đạp xe quanh khu mình sinh sống, khi mua hàng đảm bảo giữ khoảng cách 2m bên ngoài cửa hàng. Hơn nữa, chính phủ cũng yêu cầu công dân trở về từ nước ngoài phải thực hiện cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Trong khi đó, các hoạt động như tắm biển hay săn bắn đều bị cấm trong khoảng thời gian này. Đối với một số người vi phạm lệnh phong toả, cảnh sát nước này đã xử lý rất nghiêm. Mới đây, Bộ trưởng Y tế David Clark đã bị giáng cấp trong nội các sau khi lái xe đưa gia đình đi biển giữa lệnh phong tỏa.
Theo đó, những dấu hiệu ban đầu cho thấy kết quả cực kỳ hứa hẹn. Tỷ lệ ca nhiễm mới ở New Zealand đã giảm xuống mức thấp nhất trong vài tuần và số người chết đang là 11 – một trong những con số thấp nhất trong các quốc gia phát triển.
Lý thuyết ở đây là áp dụng lệnh hạn chế nghiêm ngặt từ sớm để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và từ đó tạo điều kiện cho một chiến lược rút lui có thể định hình. Những tác động kinh tế có thể tồi tệ hơn trong thời gian sắp tới, nhưng các hoạt động trong nền kinh tế có thể sớm được tái khởi động hơn. Các lựa chọn thay thế về việc giảm thiểu như các nước khác có thể dẫn đến việc yêu cầu hạn chế di chuyển phải áp dụng trong nhiều tháng, khiến ảnh hưởng đối với nền kinh tế bị kéo dài.
Đường hầm Mount Victoria trong giờ cao điểm.
Chiến lược của New Zealand, trong đó có yêu cầu thử nghiệm trên quy mô lớn và theo dõi các đối tượng đã tiếp xúc, đã cho thấy kết quả tích cực. Dù tổng số ca nhiễm tính đến ngày 17/4 là 1.409, quốc gia này đã không chứng kiến tình trạng lượng người nhiễm tăng theo cấp số nhân như châu Âu và Mỹ. Trong ngày 17/4, chỉ có 8 ca nhiễm mới được xác nhận - con số thấp nhất trong 4 tuần.
Quốc đảo này có khoảng 5 triệu dân, tương đương với Ireland. Trong khi đó, Ireland ghi nhận hơn 13.000 ca nhiễm và gần 500 người tử vong. Hơn nữa, New Zealand chỉ có 11 ca tử vong, còn Singapore đang đối chọi với làn sóng bùng phát thứ 2 từ các khu ký túc xá cho lao động nước ngoài thu nhập thấp. So sánh với quốc gia láng giềng – Australia, New Zealand cũng có ít ca nhiễm hơn, khi Australia có tới gần 6.500 người nhiễm và số ca tử vong là 63.
Theo đó, Washington Post đã khen lợi bà Ardern về các biện pháp ứng phó với dịch bệnh khi sớm áp dụng lệnh phong toả và từ chối nhập cảnh đối với người không phải quốc tịch hay có giấy tờ thường trú.
Tham khảo Bloomberg