Các mạnh thường quân tiếp tục chi hàng trăm tỷ để làm công tác thiện nguyện chống dịch, thay đổi sếp lớn ngân hàng, kinh doanh của Bầu Đức là những thông tin chú ý tuần qua.
Ông chủ Đại Nam 50.000 bình oxy từ cách đây 3 tháng
Chia sẻ tại Livestream ngày 27/8, Chủ tịch CTCP Đại Nam ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn gọi là Dũng lò vôi) đã tuyên bố sẽ không để các bệnh viện dã chiến thiếu oxy, và sẽ cung cấp cho hội ATM Oxy. Ông Dũng chia sẻ, ông đã đặt 50.000 bình oxy từ cách đây 3 tháng, cùng với 21 máy tạo oxy mini.
"Tôi đã chuẩn bị từ cách đây 3 tháng. Khi dịch bệnh xảy ra khó khăn nhất là vật tư y tế, quan trọng nhất là hơi thở. Bạn bè tôi nhiều người nói hãy chia bình oxy lại, tôi nói nếu tôi bán lại cho thị trường chắc cũng lãi cả trăm tỷ, nhưng tôi không làm được điều đó. Tôi muốn chia sẻ lại cho cộng đồng, làm sao cùng dân mình, cho đất nước mình qua kiếp nạn", ông Huỳnh Uy Dũng chia sẻ.
Ông Dũng tuyên bố sẽ cung cấp bình oxy cho các đơn vị trên để giúp người dân: "Tôi nói với anh em tôi sẽ chi viện liền trong tuần tới đến ATM Oxy chỗ Hoàng Tuấn Anh, các cháu lên kế hoạch dùng 2000 bình, bình lớn dùng cho bệnh viện dã chiến, bình nhỏ cho nhà dân".
Bên cạnh đó, khi dịch bệnh bùng phát thì vấn đề vật tư y tế vô cùng quan trọng nên ông đã đầu tư rất lớn cho dự án nhà máy găng tay y tế. Ông và vợ mong muốn bằng cách xây dựng nhà máy sản xuất găng tay, lô hàng đầu tiên sẽ tặng hết cho Chính Phủ, chung tay chống dịch.
Ông Huỳnh Uy Dũng |
Sếp mới loạt ngân hàng
Theo Vietcombank, được sự chấp thuận của NHNN, Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng đã bầu ông Phạm Quang Dũng - thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2018-2023 kể từ ngày 30/8.
Ông Phạm Quang Dũng, sinh ngày 18/4/1973, có bằng Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Birmingham (Anh Quốc), kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Trước khi được bầu là Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank từ 11/2014 đến nay.
Hồi đầu tháng 5, bà Trần Thị Thu Hằng được bầu làm Chủ tịch HĐQT Kienlongbank và là nữ chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam khi mới 36 tuổi (sinh năm 1985). Bà Hằng là Tổng Giám đốc điều hành CTCP Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group).
Trước đó, ông Dương Nhất Nguyên (38 tuổi) được bầu là Chủ tịch HĐQT Vietbank. Trước khi về Vietbank, ông từng giữ các vị trí điều hành, quản lý như Giám đốc đầu tư CTCP ĐT PT Hoa Lâm; Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Lâm và điều hành nhiều dự án lớn của Tập Đoàn Hoa Lâm.
Bà Lê Thị Thủy (1983) hiện là Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT SeABank. Bà là con gái của doanh nhân Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG kiêm Phó Chủ tịch thường trực.
Chủ tịch ngân hàng thù lao trên 200 triệu/tháng
HĐQT ACB nửa đầu năm nay hoạt động với 8 thành viên, với ông Trần Hùng Huy là chủ tịch. Theo đó, tổng thù lao ngân hàng đã trả cho các thành viên HĐQT trong thời gian này là 11,8 tỷ đồng, cao hơn 32% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, mức thù lao bình quân chủ tịch và các thành viên HĐQT ACB được chi trả nửa đầu năm nay vào khoảng 1,5 tỷ đồng/người, tương đương 246 triệu đồng/người/tháng. Nếu so với nửa đầu năm 2020, mức thù lao bình quân kể trên của các thành viên HĐQT ACB đã tăng 60 triệu đồng mỗi tháng.
Tương tự, HĐQT MSB nửa đầu năm nay hoạt động với 6 thành viên, gồm Chủ tịch Trần Anh Tuấn, hai phó chủ tịch Nguyễn Thị Thiên Hương và Nguyễn Hoàng An cùng 3 thành viên HĐQT Nguyễn Hoàng Linh (kiêm tổng giám đốc), Trần Xuân Quảng và Lê Thị Liên.
Quỹ thù lao ngân hàng chi ra nửa đầu năm để trả cho 6 lãnh đạo cấp cao kể trên là 8,3 tỷ đồng, tương đương mỗi thành viên HĐQT MSB nhận về khoảng 1,4 tỷ đồng từ đầu năm.
Bình quân, MSB đã chi mức thù lao khoảng 231 triệu/người/tháng cho các thành viên trong ban quản trị ngân hàng từ đầu năm đến nay. So với cùng kỳ năm trước, quỹ thù lao này đã tăng 40% trong khi số lượng thành viên không đổi. Điều này giúp thù lao bình quân tháng của các thành viên HĐQT MSB tăng hơn 66 triệu/tháng.
Sacombank nửa đầu năm qua cũng tăng quỹ thù lao HĐQT và ban kiểm soát lên 36% so với cùng kỳ, với gần 16,8 tỷ đồng, trong khi số lượng nhân sự trong HĐQT và ban kiểm soát vẫn duy trì ở mức 11 người.
Như vậy, mỗi thành viên HĐQT và ban kiểm soát Sacombank đã nhận được mức thù lao bình quân lên tới 254 triệu đồng/tháng trong nửa năm qua, tăng gần 70 triệu so với cùng kỳ. Hiện nhiều nhà băng cũng chi mức thù lao thành viên HĐQT trên dưới 200 triệu đồng/tháng.
Trong đó, 12 thành viên trong HĐQT và ban kiểm soát Techcombank có mức thù lao bình quân nửa đầu năm nay là 246 triệu đồng/tháng; chủ tịch VPBank cùng 4 thành viên HĐQT ngân hàng này hiện nhận thù lao 180 triệu/tháng…
Theo báo cáo tài chính của OCB, nhà băng này đã chi ra tổng cộng 54,8 tỷ đồng tiền lương, thù lao cho 19 lãnh đạo thuộc HĐQT, ban kiểm soát và ban tổng giám đốc nửa năm qua. So với cùng kỳ, quỹ lương và thù lao cho các nhân sự lãnh đạo ngân hàng này đã tăng 44%, trong khi bộ máy chỉ tăng thêm 3 người.
Eximbank sắp có Tổng giám đốc mới
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Theo đó, NHNN chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Eximbank đối với ông Trần Tấn Lộc. Eximbank có trách nhiệm bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Tấn Lộc theo đúng quy định.
Trong khoảng thời gian từ đầu tháng 4/2019 đến nay, Eximbank vẫn khuyết vị trí Tổng giám đốc, sau khi ông Lê Văn Quyết hết hợp đồng.
Hiện ông Nguyễn Cảnh Vinh đang tạm thời phụ trách quyền Tổng giám đốc điều hành Eximbank. Trước đó, ông Vinh làm Phó tổng giám đốc thường trực Eximbank từ tháng 4/2018 và được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc Eximbank từ tháng 5/2019.
Điều lệ Eximbank quy định người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng là Tổng giám đốc nên sau khi ông Lê Văn Quyết hết hợp đồng, Eximbank cũng khuyết luôn vị trí người đại diện theo pháp luật. Các cuộc ĐHĐCĐ diễn ra đều liên tục bất thành nên việc thay đổi Điều lệ từng được đề ra trong tờ trình cũng chưa thể thông qua.
Mới đây, Eximbank ra thông báo về việc hoãn họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần thứ 2 và ĐHCĐ bất thường do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bầu Đức gặp khó |
Bầu Đức về lo chăm cây, nuôi bò
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa có báo cáo giải trình cho biết, doanh nghiệp có khả năng tiếp tục hoạt động bình thường. Mảng trái cây và hoạt động chăn nuôi sẽ tạo ra dòng tiền cho tập đoàn.
Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức bị kiểm toán nhấn mạnh vi phạm cam kết vay vốn và nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Theo kiểm toán, HAGL vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và doanh nghiệp này tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Trong năm 2021, doanh thu từ bán trái cây của HAGL tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu. Trong đó, doanh thu từ bán chuối đem lại nguồn tiền chính trong ngắn hạn do thời gian kiến thiết cơ bản ngắn, sản lượng thu hoạch cao, giá bán ổn định. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo tập đoàn đã và đang chủ trương mở rộng hoạt động chăn nuôi heo và bò sinh sản. Trong tương lai, hoạt động chăn nuôi hứa hẹn sẽ mang lại doanh thu lớn và tạo ra dòng tiền cho HAGL.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp của Bầu Đức cũng đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tài chính và làm việc với các bên cho vay để thực hiện các biện pháp giãn nợ, giảm lãi suất. Vì vậy, HAGL xét đoán rằng sẽ có khả năng tiếp tục hoạt động bình thường và việc lập báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục và hợp lý.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, HAGL ghi nhận lãi sau thuế sau soát xét đạt 8,3 tỷ đồng trong 6 tháng, trong khi cùng kỳ lỗ 1.397 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với tại báo cáo tự lập trước đó, lãi sau thuế của HAG sụt giảm 55%.
Bảo Anh (Tổng hợp)