Sau khi xăng RON92 chính thức được "khai tử" từ đầu tháng 1/2018, 2 mặt hàng được lưu hành chính trên thị trường bao gồm xăng sinh học E5 RON92 và xăng khoáng RON95.
Tuy nhiên, qua hai kỳ điều hành đầu tiên của năm 2018, chênh lệch giữa giá xăng RON95 và E5 RON92 dao động trong khoảng từ 1.710 đ/lít đến 1.850 đồng/lít. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng E5 RON92 đang được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) ở mức 857đ/lít (kể từ 04/1/2018 đến nay); trong khi giá xăng RON95 điều hành theo thị trường, không sử dụng Quỹ BOG và điều chỉnh tăng giá theo giá thế giới.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư kí Hội Thẩm định giá cho rằng, việc không công bố giá xăng cơ sở RON95 là không phù hợp với quy định của Nghị định 83.
Ông Thỏa cho biết, theo Nghị định 83, Bộ Công Thương phải chủ trì công bố giá xăng cơ sở của xăng RON92 và RON95. Trước đó, khi còn xăng RON92, cơ quan điều hành chỉ công bố giá cơ sở mặt hàng này vì căn cứ vào giá mặt hàng này doanh nghiệp có thể tính được giá RON95.
"Dựa vào chỉ số RON thì RON95 sẽ chênh khoảng 3%, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào giá cơ sở xăng RON92 để quyết định giá RON95. Bây giờ không còn RON 92 nữa thì phải công bố RON95 để làm căn cứ cho doanh nghiệp quyết định giá", ông Thỏa nói.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, quyết định mức xả quỹ có sự chênh lệch giữa các mặt hàng xăng dầu cũng "không ổn" bởi theo quy định khi giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu có biến động thì phải sử dụng quỹ để không gây biến động quá nhiều.
"Việc xả quỹ với mặt hàng này mà không xả với mặt hàng kia khiến chênh lệch tới 2.000 đồng/lít là không nên", ông nói.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng, việc "âm thầm" tăng giá dễ dẫn đến câu chuyện không minh bạch trong ngành xăng dầu, gây bất bình với người tiêu dùng. Do đó, vị chuyên gia đề nghị cần công bố để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Trước đó, tại hội thảo về giá diễn ra mới đây, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nếu không quản lý được giá của xăng RON 95 thì chắc chắn giá của loại xăng này sẽ tăng mạnh, từ đó tác động đến chỉ số lạm phát trong năm 2018. Vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi về việc liệu có hay không chuyện mặt hàng này đang bị thả nổi và có nhóm lợi ích nào đằng sau hay không.
Đồng quan điểm, ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, khi điều chỉnh giá, có bao nhiêu loại xăng thì phải công bố minh bạch để người tiêu dùng hiểu, ngoài ra cũng cần tạo sự thống nhất về mặt thị trường.
“Không công bố giá cơ sở xăng RON 95 rõ ràng là không bình đẳng với các loại xăng khác. Cần phải xem lại vị trí, vai trò giá cơ sở của những loại xăng này như thế nào. Trên thị trường có cần giá cơ sở không, nếu không cần thì bỏ luôn đi”, ông Ruệ nói.