Quyết định số 5603/QĐ-UBND về việc xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa của HDTC do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang ký ngày 3/11/2015, xác định giá trị thực tế của HDTC là hơn 3.000 tỷ đồng (3.196.252.635.420 đồng). Trong đó, giá trị thực tế phần góp vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.200 tỷ đồng.
Chấp nhận "vung tiền" thâu tóm cổ phần giá cao…
Chủ trương của UBND TP.HCM là chỉ giữ lại 30% vốn điều lệ, tương đương 67.257.000 cổ phần; Số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động của công ty là 702.500 cổ phần, tương đương 0,32%; Số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là là 78.000.000 cổ phần, tương đương 34,79% vốn điều lệ; Còn lại 34,89%, tương đương 78.230.500 cổ phần sẽ được bán đấu giá công khai trên sàn cho nhà đầu tư thông thường.
Có nghĩa, ngoài số cổ phần không đáng kể (0,32%), bán ưu đãi cho người lao động của công ty, thì gần toàn bộ 70% cổ phần còn lại sẽ được chào bán công khai cho các nhà đầu tư. Và, không biết bằng cách nào đó, gần 70% cổ phần này đã nghiễm nhiên thuộc về tay gia đình CTCP Việt Hân của đại gia Chinh.
Danh sách cổ đông HDTC toàn "người thân" CTCP Việt Hân? (Ảnh: VN) |
Cụ thể, CTCP Việt Hân được UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất, chọn làm nhà đầu tư chiến lược mua 34,79% cổ phần. Đấu giá công khai, công ty này mua thêm được 17,35% cổ phần, tổng cộng là 52,14%. Ngoài ra, hình thức đấu giá công khai cũng ghi nhận phần thắng thuộc về 2 cá nhân gồm bà Đinh Ngọc Châu Hương và bà Hà Thị Bích Hạnh với số cổ phần mỗi người chiếm 8,67%.
Đáng chú ý, bà Đinh Ngọc Châu Hương hiện nắm giữ chức Tổng Giám đốc tại CTCP Việt Hân. Cá nhân còn lại, theo một số thông tin thu thập được cũng được xác định là "người thân" của CTCP Việt Hân. Có phải, "gia đình" Việt Hân đã thâu tóm hết 70% cổ phần được bán ra của HDTC???
Một chi tiết khác đáng chú ý, khiến giới đầu tư đặt nghi vấn về quy trình cổ phần hóa HDTC, chính là trường hợp chỉ một mình CTCP Việt Hân nắm được thông tin và được chọn làm nhà đầu tư chiến lược. Tiếp đó, người của công ty này cũng được rải đều vào trong phiên đấu giá công khai để rồi thắng đấu giá ở mức 10.000 đồng/ cổ phần, bằng giá khởi điểm. Trên cơ sở giá này, nhà đầu tư chiến lược cũng "một mình" solo, chốt luôn giá 10.000 đồng/ cổ phần đối với 34,79% vốn điều lệ.
Về nguyên tắc, những điều nêu trên không sai. Tuy nhiên, việc không có sự đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược và người trúng đấu giá trên sàn đa phần đều là người của CTCP Việt Hân để rồi chốt toàn bộ cổ phần với giá bằng giá khởi điểm thì khá bất thường so với những lần cổ phần hóa DNNN khác. Điều này có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến khoản thu về của ngân sách Nhà nước.
… CTCP Việt Hân và đại gia Đinh Trương Chinh lợi lộc gì?
Trao đổi với PV, ông S.T, Giám đốc Đầu tư của một doanh nghiệp từng rất quan tâm tới cổ phần hóa HDTC và dự định đầu tư vào DNNN này bật mí, trước khi CTCP Việt Hân mua cổ phần, HDTC đã được định giá trước một lần nhưng vì giá cao nên hạn chế nhà đầu tư. Định giá trong lần cổ phần hóa năm 2016 là đã được giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo ông S.T, định giá này vẫn quá cao so với thực tế tài sản sở hữu của HDTC.
"Hồ sơ cổ phần hóa liệt kê HDTC có rất nhiều tài sản, trong đó lớn nhất là 131 ha đất An Phú - An Khánh. Tuy nhiên, phải tính toán kỹ rằng, thời điểm cổ phần hóa nhiều tài sản trong tổng số thống kê đã bị bán đi hoặc liên doanh, liên kết, hợp tác với đơn vị khác. Phần còn lại là rất ít. Vậy nên, con số khoảng 1.700 tỷ đồng với 70% cổ phần vẫn là rất cao" – ông S.T nói thêm.
Đại gia nức tiếng Đinh Trường Chinh đang tính toán gì tại HDTC? |
Theo nhận định này, đại gia Đinh Trường Chinh và CTCP Việt Hân của ông có thể đã mua hớ HDTC. Tuy nhiên, phải nhìn nhận lại, đại gia Đinh Trường Chinh, không phải tay mơ, khi vung tiền mua "bong bóng", nếu không toan tính thiệt hơn ở đây. Vị đại gia nổi tiếng đang toan tính điều gì và chiến lược nào dành cho HDTC vẫn đang là dấu hỏi lớn.
Theo ghi nhận nhanh của PV, từ khi thâu tóm gần 70% cổ phần, rồi nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT HDTC năm 2016 đến nay, ông Đinh Trường Chinh vẫn khá im hơi lặng tiếng trên thị trường bất động sản TP.HCM. Và, HDTC cũng như cái tên đại gia Đinh Trường Chinh chỉ được nhắc đến nhiều với những ồn ào liên quan đến tranh chấp, thưa kiện các phần đất trước đây từng thuộc về HDTC.
Trong đó, nổi bật nhất là tranh chấp đất với một loạt doanh nghiệp ở Dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh. Rồi sau đó là tranh chấp kéo dài tại Dự án The Mark với nhà đầu tư Hàn Quốc và đang chờ kết luận cuối cùng của Chính phủ.