Cuối năm ngoái, nhà báo Ralph Jennings đã có bài viết trên tờ Los Angeles Times với nội dung nhiều người Mỹ, trong đó có cả những cựu binh, đến Việt Nam nghỉ hưu vì những lý do "trần tục" như giá nhà, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ rẻ và chất lượng sống ngày càng tăng.
Ralph đã gặp Rohn Rockhold, một cựu binh Mỹ hiện đang sống cùng vợ và hai con trong một chung cư sang trọng 4 phòng ngủ, diện tích 170 m2 hướng ra sông Sài Gòn. Chi phí sinh hoạt của gia đình 4 người này hiếm khi vượt quá 2.000 USD ngay cả khi thuê thêm người giúp việc và một đầu bếp. Con số này là không tưởng ở Mỹ.
Cũng trong năm ngoái, giới khởi nghiệp trong nước đã rất hào hứng trước thông tin cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Roesler chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo trong sự nghiệp của ông. Điều này cũng làm nổi bật hơn một xu thế mà một số báo cáo đã ghi nhận: Nhiều chuyên gia nước ngoài muốn sống và làm việc tại Việt Nam.
Ví dụ khảo sát của Navigos Group chỉ ra rằng đất nước hình chữ S đang đứng đầu danh sách các quốc gia Đông Nam Á về thu hút nhân lực quốc tế với tỷ lệ 30%. Singapore chỉ đạt 24%, Thái Lan là 17%.
Bảng xếp hạng của HSBC cũng cho biết trong năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên lọp top 10 quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài sống và làm việc trên thế giới.
Điểm chung trong đánh giá của những người tham gia khảo sát là môi trường sống thân thiện, dễ kết bạn, ít căng thẳng, trong khi chi phí sinh hoạt thấp, bối cảnh kinh tế chính trị ổn định...
"Nói về những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, tôi muốn làm rõ một điều là trước đây họ đa phần là người chủ động, còn nay, tôi nghĩ là họ là người được chọn", Joe Ruelle, một anh Tây không còn xa lạ với người Việt nói với Trí Thức Trẻ. Joe làm bật lên một xu hướng khác trong câu chuyện Tây – Ta. Điều này có được, theo Joe, là đến từ những nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
Để hiểu thêm về sự hấp dẫn của Việt Nam với những người nước ngoài, báo Trí Thức Trẻ sẽ khởi đăng tuyến bài "Amazing Vietnam" từ ngày 25/1 với các câu chuyện về tình yêu Việt Nam của những "ông, bà Tây". Đó có thể là câu chuyện của COO Indochina Capital – một anh chàng người Canada nói rằng Việt Nam có "mùi của nhà"; Chủ tịch Dragon Capital với 30 năm ở Việt Nam và năm nào cũng ăn Tết ở đây; CEO người Nga của Đôi Dép; Mr Dâu quen thuộc với giọng dí dủm soi vào văn hoá người Việt; 9X Nhật Bản quyết tâm nói học giọng Quảng để làm rể Việt Nam; người phụ nữ Anh khẳng định "Việt Nam là tương lai của tôi"...
Những câu chuyện mà những người nước ngoài đến Việt Nam chia sẻ với Trí Thức Trẻ hy vọng phần nào sẽ lý giải được tình huống mà không một ai có thể nghĩ được, nếu nhìn vào quá khứ của một quốc gia từng bị bom đạn chiến tranh tàn phá, từng trải qua những khó khăn kinh tế kéo dài, nay trở thành nơi đến mà hầu hết những người ngoại quốc khi bước đến phải thốt lên: "Tuyệt vời!".