Đã hơn một thập kỷ kể từ khi Jeff Bezos hào hứng phác thảo tầm nhìn của mình cho Alexa trên tấm bảng trắng tại trụ sở chính Amazon. Trợ lý giọng nói này được kỳ vọng sẽ có thể hỗ trợ thực hiện tất cả các nhiệm vụ, từ mua sắm trực tuyến, điều khiển thiết bị, hay thậm chí là đọc truyện cho con trước khi ngủ.
Tuy nhiên, tầm nhìn vĩ đại của nhà sáng lập Amazon về một nền tảng điện toán mới không còn. Việc AI được kỳ vọng trở thành “điều lớn lao tiếp theo” thời gian gần đây khiến nhiều người hoài niệm về những “điều lớn lao tiếp theo” trước đó - những trợ lý giọng nói ảo được Amazon, Google, Apple hay Microsoft hết mức gợi ca.
Theo FT, Alexa dần đang chuyển sang hướng giúp gã khổng lồ thương mại điện tử kiếm tiền. “Nếu bạn có thể làm bất cứ điều gì để trực tiếp kiếm tiền, hãy làm ngay bây giờ”, một nhân viên Amazon cho biết.
Việc Giám đốc điều hành mới Andy Jassy thay đổi trọng tâm chiến lược khiến nhóm phát triển Alexa bị sa thải đáng kể hồi cuối năm ngoái. Động thái thắt lưng buộc bụng diễn ra như một phần của đợt cắt giảm rộng lớn 18.000 việc làm trong thời kỳ suy thoái công nghệ.
Tại Microsoft, Giám đốc điều hành Satya Nadella cũng ngầm thừa nhận rằng các trợ lý giọng nói, trong đó có Cortana, không hề phát triển đúng như những gì nó được kỳ vọng. “Tất cả trợ lý ảo đều ‘câm như đá’. Cho dù đó là Cortana, Alexa, Google Assistant hay Siri, tất cả đều không hoạt động”.
Trong khi đó, Adam Cheyer, đồng tác giả của Siri, trợ lý giọng nói được Apple mua lại vào năm 2010, cho biết khả năng của ChatGPT khiến các trợ lý giọng nói hiện nay trông tương đối “ngu ngốc”. “Những thứ trước đây quá khó xử lý. Không ai biết mình có thể làm gì hoặc không thể làm gì. Nỗ lực giúp Alexa thốt ra thông tin “bạn có biết” cũng chỉ càng khiến người dùng thêm thất vọng”.
Những trợ lý giọng nói ảo từng được Amazon, Google, Apple hay Microsoft hết mức gợi ca nay ngậm ngùi 'nhường đường' cho các chatbot.
Carolina Milanesi, chủ tịch nhóm nghiên cứu thị trường Creative Strategies, cũng cho biết: “Sự kiên nhẫn của chúng tôi có hạn thôi”.
Nhà phân tích công nghệ độc lập Benedict Evans lưu ý rằng đối với nhiều người dùng, Alexa chỉ được xem như một “tượng đài được tôn vinh”. Dẫu vậy, Amazon vẫn “lạc quan hơn bao giờ hết” về công nghệ trợ lý này.
“Thực tế là Alexa tiếp tục phát triển. Mức độ tương tác đã tăng hơn 30% trên toàn cầu vào năm 2022. Hơn 50% khách hàng của Alexa hiện đang sử dụng nó để mua sắm,” Amazon cho biết.
Xét trên nhiều phương diện, có thể coi Alexa là một thành công phi thường của Amazon. Theo Insider Intelligence, đây hiện là công cụ dẫn đầu ở Mỹ với khoảng 66% thị phần hỗ trợ giọng nói.
Theo Amazon, các nhà sản xuất bên thứ ba đã tạo ra hơn 140.000 sản phẩm tương thích với Alexa. Hệ điều hành của nó cũng kiểm soát hơn 300 triệu thiết bị thông minh, chẳng hạn như bóng đèn hoặc máy ảnh. Nhóm nghiên cứu IDC ước tính hơn một nửa số người dùng Alexa tương tác với thiết bị ít nhất 1 lần/ngày, tỷ lệ thành công cao hơn cả Apple Siri và Google Assistant. Tuy nhiên, bất đồng nội bộ và chủ trương cắt giảm chi phí đã tác động tiêu cực lên Alexa.
Tình trạng hiện tại trước ngược hoàn toàn với sự nhiệt thành trước đây, thời điểm Bezos háo hức nói về Alexa và đích thân tạo ra giao diện, ngôn ngữ.
“Mục tiêu của chúng tôi không phải giúp Alexa có lãi. Chúng tôi chỉ muốn bán thiết bị và đúng là đã bán được rất nhiều”, cựu Giám đốc tiếp thị của Amazon cho biết.
Đã hơn một thập kỷ kể từ khi Jeff Bezos hào hứng phác thảo tầm nhìn của mình cho Alexa trên tấm bảng trắng tại trụ sở chính Amazon.
Bỏ qua sự bùng nổ của điện thoại thông minh, Amazon từng kỳ vọng Alexa sẽ mở ra một hệ sinh thái mới rộng lớn bao gồm những ứng dụng có thể sinh lời. Công ty đặt tên cho chúng là “Skills”, đồng thời mở Alexa cho các nhà phát triển bên thứ ba.
Tính đến tháng 11/2022, Amazon có hơn 130.000 “Skills” trong cửa hàng. Google cũng thực hiện một động thái tương tự với trợ lý bằng ngôn ngữ có tên “conversational actions”.
Tuy nhiên, do “Skills” trên Alexa phần lớn được cung cấp miễn phí nên khả năng kiếm tiền gần như là không thể. Trong khi đó, tính năng “discovery” - quá trình người dùng tìm ứng dụng mới để thử cũng rất khó để phát triển.
“Tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều người không biết “Skills” là gì”, Brian Tarbox từ Wabi Sabi Software, công ty phát triển Alexa Skills, cho biết.
Bốn năm sau khi ra mắt, Alexa cũng không ít lần gây tranh cãi về việc gửi ghi âm giọng nói cho nhầm người hay nhân viên Amazon nghe lén các cuộc trò chuyện riêng tư. Những vết nứt đầu tiên trong mô hình kinh doanh sản phẩm bắt đầu lộ diện.
Đến năm 2018, Alexa trở thành một “hố đen” nuốt chửng tiền của Amazon. Tờ New York Times cho biết họ đã lỗ khoảng 5 tỷ USD và thậm chí sắp cán mốc 10 tỷ USD sau khi phát triển Alexa và các thiết bị khác.
Cuối năm 2019, Amazon đóng băng việc tuyển dụng đối với bộ phận Alexa. Tinh thần làm việc của nhân viên trong nhóm cũng bắt đầu sa sút khi dự án từng rất tiềm năng đang mất dần động lực.
Dẫu vậy, nhiều người vẫn kỳ vọng vào sự hồi sinh của trợ lý giọng nói nhờ AI tổng quát - thứ có thể giúp chúng thông minh hơn nhiều so với hiện nay. “AI đang nhận được nhiều sự quan tâm”, một nhân viên hiện tại của Amazon nói về các công cụ như ChatGPT. “Đã có lãnh đạo yêu cầu chúng tôi nghĩ xem Alexa sẽ ra sao nếu được tích hợp AI”.
Theo: FT, BI