Các đại gia trong ngành thép tiếp tục ghi nhận những thông tin tích cực. Sự đình trệ trong quý III do đại dịch khiến kinh doanh không được như mong muốn nhưng triển vọng về trung hạn vẫn tươi sáng.
Doanh nghiệp từng đứng trên bờ vực phá sản Gang Thép Thái Nguyên (TIS) ghi nhận sự bứt phá chưa từng có với lãi quý II gấp 25 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đạt 113 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ và vượt 190% kế hoạch năm.
Đây là kết quả ấn tượng bởi chỉ khoảng 2-3 năm trước đó, Gang Thép Thái Nguyên đứng trước nguy cơ phá sản do mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Nợ phải trả cao gấp 4,7 làn vốn chủ sở hữu và các ngân hàng hạ mức đánh giá xếp hạng tài chính.
Doanh nghiệp này khi đó đối mặt với giá thép xuống do các đối thủ cạnh tranh và mắc kẹt tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên.
Tuy nhiên, giá thép tăng đột biến trong hơn năm qua đã giúp hầu hết các doanh nghiệp trong ngành thép ghi nhận những kết quả tươi sáng.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) báo lãi quý II đạt 127 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ, sau khi lãi ấn tượng trong quý II. Trong quý II, SMC ghi nhận lãi sau thuế tăng 13 lần lên đỉnh lịch sử 532 tỷ đồng.
Cho tới thời điểm này, lợi nhuận lũy kết sau 9 tháng vượt 190% chỉ tiêu đề ra cho cả năm.
Giá cổ phiếu TIS và SMC hiện đều ở vùng lịch sử.
Gang thép Thái Nguyên còn nặng nợ với đại dự án thua lỗ. |
Theo SSI Research, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long có thể sẽ lãi ròng khoảng 8.700 tỷ đồng trong quý III, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ nhờ sản lượng thép HRC tăng vọt và đây cũng là dòng sản phẩm có biên lợi nhuận cao.
Chứng khoán TP.HCM thậm chí còn dự báo lợi nhuận của Hòa Phát trong quý III đạt 10.300 tỷ đồng.
Theo dự báo của hai công ty chứng khoán, lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2021 của HPG sẽ đạt trên 25 nghìn tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp tiếp theo có lợi nhuận tỷ USD trong năm.
Theo VCBS, ngành thép có triển vọng tích cực trong bối cảnh tiêu thụ nội địa sẽ hồi phục mạnh sau giãn cách cũng như xuất khẩu thép vẫn đang hưởng lợi. Giá thép được dự báo duy trì mức cao đến năm 2022 và cổ phiếu thép vẫn còn cơ hội bứt phá.
Việc xuất khẩu thép của Việt Nam cũng gặp thuận lợi khi giá thành sản xuất cạnh tranh. Việt Nam dần tự chủ được nguồn cung HRC trong nước đã giúp hạ giá thành sản phẩm.
Theo VCBS, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và xây dựng hơn nhiều và sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.
Nhiều dự án BĐS bị hoãn lại trong thời gian qua bởi ảnh hưởng giãn cách xã hội có thể sẽ khởi động trở lại, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép trong nước. Trong khi đó, Trung Quốc đang siết chặt giảm sản lượng sản xuất thép hàng năm do các vấn đề về môi trường và hạn chế tiêu thụ năng lượng.
Biến động chỉ số VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 18/10
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu tăng giá nhẹ nhưng và hướng tới ngưỡng 1.400 điểm. Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng giá sau vài phiên chịu áp lực bán ra trong tuần trước.
Theo MBS, thị trường loay hoay vượt ngưỡng tâm lý 1.400 điểm trong phần lớn thời gian của tuần qua. Thanh khoản thị trường tuy có tăng so với tuần trước nhưng hoạt động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi đó nhóm VN30 vẫn chưa bứt phá thành công đỉnh tháng 8 đã gây lực cản cho thị trường chung. Về kỹ thuật, xu hướng tăng của thị trường vẫn không thay đổi, nhà đầu tư đang quan tâm đến cổ phiếu cụ thể nhiều hơn so với việc nhìn chỉ số khi báo cáo kết quả kinh doanh đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Theo VCBS, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và cơ hội xuất hiện ở cả các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Mặc dù vậy, VCBS cho rằng nhà đầu tư nên cơ cấu các cổ phiếu nắm giữ theo hướng đa dạng hóa danh mục nhiều hơn trong giai đoạn này khi mà thị trường vẫn chưa xuất hiện ngành hay nhóm cổ phiếu nào mang tính chất “dẫn sóng”. VCBS kỳ vọng xu hướng giao dịch lình xình của VN-Index sẽ vẫn tiếp diễn trong tuần mới, và dòng tiền sẽ dần dịch chuyển tới các cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV cũng như hưởng lợi từ lộ trình nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc, có thể kể đến như nhóm phân bón, hóa chất, điện, dầu khí,…, và theo đó mở ra cơ hội “lướt sóng” cho các nhà đầu tư ngắn hạn
Chốt phiên chiều 14/10, chỉ số VN-Index giảm 0,06 điểm xuống 1.391,85 điểm. HNX-Index tăng 5,5 điểm lên 384,84 điểm. Upcom-Index tăng 0,5 điểm lên 99,28 điểm. Thanh khoản đạt 26,2 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 22,1 nghìn tỷ đồng.
V. Hà