Hợp tác bền chặt
Trong tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ ký kết với Tổng thống Nga Vladimir Putin các thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD. Lễ ký quan tọng được tổ chức tại New Delhi trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Putin.
Đã từ lâu, Ấn Độ là đối tác quốc phòng thân thiết của Nga. Tuy nhiên, thỏa thuận mua bán vũ khí sắp được ký sẽ có vai trò lớn không chỉ với hai quốc gia có liên quan mà còn tác động không nhỏ tới Mỹ, quốc gia mới tuyên bố sẽ trừng phạt những nước mua khí tài quân sự Nga. Với Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ông Trump thực sự cần tới Ấn Độ.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày 4 và 5/10, hai nhà lãnh đạo Nga và Ấn Độ cùng hàng loạt bộ trưởng, doanh nhân dự kiến sẽ ký 23 thỏa thuận song phương. "Điểm nhấn của sự kiện này là việc ký kết thỏa thuận chuyển giao hệ thống phòng không S-400 từ Nga cho Ấn Độ. Giá trị của hợp đồng này có thể lên tới hơn 5 tỷ USD", Yuri Ushakov, cố vấn của điện Kremlin, cho hay.
Tuy nhiên, thỏa thuận mà Ấn Độ mong đợi từ lâu này sẽ trở thành vấn đề nhức nhối với người Mỹ. Trong nhiều năm qua, Ấn Độ luôn đẩy mạnh tăng cường khả năng quốc phòng để đối phó với các vấn đề nghiêm trọng với các quốc gia láng giềng, trong đó có tranh chấp biên giới với Trung Quốc hay những mối đe dọa từ phía Pakistan. S-400 sẽ mang đến cho Ấn Độ khả năng phòng thủ đáng kể.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 có thể theo dõi nhiều mục tiêu, phóng tên lửa tiêu diệt địch ở khoảng cách 400 km. Thậm chí, hệ thống này còn có thể phát hiện máy bay tàng hình. Tốc độ triển khai nhanh cùng với khả năng bao quát rộng khiến nó trở nên đặc biệt hữu dụng cho phòng vệ. Người đứng đầu lực lượng không quân Ấn Độ cho biết hệ thống này sẽ được giao trong 24 tháng tới.
Tổng thống Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Bài toán khó của ông Trump
Mỹ đã thông qua đạo luật trừng phạt các nước làm ăn với Nga trong lĩnh vực quốc phòng và tình báo. Mỹ cũng đã trừng phạt Trung Quốc vì mua chiến đấu cơ và hệ thống phòng không S-400 của Nga. Tuy đạo luật có những quy định loại trừ nhưng phía Mỹ vẫn chưa để ngỏ khả năng "bỏ qua" cho người Ấn vì vũ khí Nga.
"Có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với việc "bỏ qua" cho các nước mu vũ khí Nga. Việc cấp phép chủ yếu diễn ra với những quốc gia muốn mua phụ tùng thay thế cho những vũ khí đã mua từ Nga trước đó. Việc mua mới là điều khó có thể được chấp nhận", một quan chức Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Ấn Độ có lẽ sẽ nằm ngoài những quy định này. Một số nhà phân tích thấy rằng chính quyền Tổng thống Trump đang bỏ qua, hoặc buộc phải bỏ qua cho Ấn Độ vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Vị trí địa chiến lược của Ấn Độ là thứ có thể khiến chính quyền của Tổng thống Trump phải nhượng bộ nhưng quốc hội Mỹ có thể sẽ không chấp thuận hoặc chỉ chấp thuận duy nhất cho việc mua S-400.
Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến công bố thỏa thuận trị giá 2,2 tỷ USD cho 4 tàu khu trục của Nga mà hai trong số đó sắp sửa được bàn giao và 2 chiếc còn lại sẽ được chuyển giao công nghệ để đóng tại các nhà máy đóng tàu của Ấn Độ. Hai bên cũng dự kiến ký thỏa thuận cấp giấy phép sản xuất súng trường tấn công AK-103 của Nga tại Ấn Độ.
Một phần của tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga.
"Các thỏa thuận, với giá trị khoản 8 tỷ USD, nhìn có vẻ to nhưng không có gì bất thường. Nó phản ánh thực tế rằng Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới và Nga là nhà cung cấp thiết bị phòng thủ hàng đầu cho Ấn Độ", Jeff Smith, chuyên gia Nghiên cứu Nam Á của Heritage Foundation, nhấn mạnh.
Tuy nhiên, điều này lại không bình thường với Chính quyền của Tổng thống Trump. Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà ông Trump theo đuổi rất cần tới sự ủng hộ của Ấn Độ. Vài tuần trước, các quan chức cấp cao về Ngoại giao và Quốc phòng của Ấn Độ đã gặp gỡ các đối tác Mỹ, tạo ra một thỏa thuận liên lạc cho phép quân đội hai nước tương tác với nhau.
Mỹ cũng đang tìm kiếm một mối quan hệ sâu sắc hơn với Ấn Độ trong thời gian qua, trong đó có việc bán 15 tỷ USD vũ khí cho quốc gia Nam Á này trong một thập kỷ. Các nhà thầu quốc phòng Mỹ đang nỗ lực thế chân người Nga trong việc thay thế những chiếc máy bay cũ kỹ trong Không quân Ấn Độ. Mỹ gần đây cũng đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm làm nổi bật vai trò của Ấn Độ trong khu vực.
Ấn Độ cũng đang đón nhận những nỗ lực của Mỹ nhưng các mối quan hệ quốc phòng hiện tại và chính sách lâu dài của họ chưa có gì thay đổi. Phía Ấn Độ còn tuyên bố các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không thể làm ảnh hưởng tới quan hệ quốc phòng giữa Delhi và Moscow. Ấn Độ cũng thể hiện quyền tự chủ trong các mối quan hệ của mình cùng lời cam kết sẽ thực sự nghiêm túc trong các mối quan hệ đó.