Vào ngày 13/5, Ấn Độ đã công bố áp lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sau khi thời tiết nắng nóng bất thường ảnh hưởng đến mùa vụ, khiến giá lúa mì trong nước tăng vọt. Mặc dù không phải là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn, song động thái của Ấn Độ đã gây bất ổn cho thị trường toàn cầu, khiến chỉ số lúa mì chuẩn Chicago tăng gần 6%.
Động thái này nhằm hạ nhiệt giá mặt hàng này đang leo thang trong nước. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho rằng lệnh cấm xuất khẩu của nước này sẽ không ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu vì họ không phải quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá quyết định của New Delhi vẫn khiến giá lúa mì leo thang, gây nguy cơ mất an ninh lương thực, trong bối cảnh thị trường hàng nông sản toàn cầu đang chịu sức ép lớn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Không chỉ dừng lại ở đó, quyết định này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng hạn chế xuất khẩu gạo sẽ khiến các nhà kinh doanh tăng cường mua và đặt các đơn hàng với thời gian giao hàng lâu dài.
Các quan chức của Chính phủ và Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này không có kế hoạch hạn chế các lô hàng xuất khẩu vào lúc này do giá gạo trong thị trường trong nước vẫn ở mức thấp và nguồn cung dồi dào.
Đây được coi là một sự "cứu trợ" đối với các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu vốn đang phải vật lộn với chi phí lương thực tăng cao. Tuy nhiên phần lớn mùa vụ trồng lúa ở Ấn Độ vẫn còn đang ở phía trước và bất kỳ thay đổi nào về triển vọng thu hoạch đều có thể thay đổi lập trường của quốc gia này đối với xuất khẩu mặt hàng chủ lực.
Yếu tố thời tiết như mưa gió là yếu tố quyết định đến quy mô vụ lúa của Ấn Độ. Những trận mưa dồi dào trong năm nay sẽ giúp nước này duy trì vị thế ưu việt trong thương mại gạo trên toàn cầu. Tuy nhiên những trận mưa quá thường xuyên sẽ làm cây trồng bị đình trệ và giảm sản lượng. Điều này sẽ dẫn đến lượng hàng dự trữ của quốc gia sẽ bị suy giảm, dẫn đến việc hạn chế xuất khẩu để đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho 1,4 tỷ dân của đất nước.
Vì sao Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung cấp gạo toàn cầu?
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương (VITIC), xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2021 tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng thấy trong vòng vài năm qua, do nguồn cung trong nước dồi dào trong khi nguồn cung gạo xuất khẩu của các nước đối thủ bị thắt chặt và nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường thế giới, đạt mức 21,5 triệu tấn, nhiều hơn so với tổng lượng xuất khẩu của bốn nhà xuất khẩu khác là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.
Ấn Độ là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới sau Trung Quốc, chiếm hơn 40% thị phần trên toàn cầu.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ qua các năm
Với nguồn dự trữ trong nước cao và giá thị trường nội địa thấp, Ấn Độ có thể giảm giá sâu trong 2 năm qua, giúp các quốc gia như châu Á và châu Phi chống chọi được với giá lương thực tăng cao.
Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia, bởi vậy bất kỳ sự giảm sút nào trong các lô hàng của nước này sẽ dẫn đến lạm phát lương thực. Lúa gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người, và khi Ấn Độ cấm xuất khẩu vào năm 2007, giá trên toàn cầu đã tăng lên mức đỉnh mới.
Bất kỳ động thái nào nhằm hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ cũng sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia nhập khẩu gạo. Điều này cũng sẽ cho phép các nhà cung cấp đổi thủ khác bao gồm Thái Lan và Việt Nam tăng giá sản phẩm so với các lô hàng của Ấn Độ, vốn đã cao hơn 30%.
Ngoài việc phục vụ những người mua châu Á như Trung Quốc, Nepal, Bangladesh và Philippines, Ấn Độ còn cung cấp gạo cho các nước châu Phi như Togo, Benin, Senegal và Cameroon.
Lúa gieo sạ của Ấn Độ chiếm hơn 85% sản lượng hàng năm của nước này, tăng lên mức kỷ lục 129,66 triệu tấn trong niên vụ tính đến tháng 6 năm 2022.
Hàng năm, hàng triệu nông dân bắt đầu trồng lúa vào tháng 6, khi gió mùa bắt đầu đổ bộ vào Ấn Độ. Gió mùa (monsoon) mang lại khoảng 70% lượng mưa hàng năm của Ấn Độ, rất quan trọng trong trồng trọt.
Nông dân Ấn Độ dựa vào mưa gió để tưới nước cho một nửa diện tích đất canh tác bởi đất nước này thiếu nước để tưới. Năm 2022, Ấn Độ được dự báo sẽ nhận được lượng mưa trung bình. Nhưng kể từ ngày 1 tháng 6, khi đợt gió mùa kéo dài bốn tháng bắt đầu, lượng mưa thấp hơn 41% so với mức trung bình.
Dự kiến sẽ có mưa vào giữa tháng 6 và thúc đẩy quá trình gieo sạ lúa. Ba năm qua với lượng mưa trung bình hoặc trên trung bình, và các phương thức canh tác mới hiện đại đã làm tăng sản lượng lúa gạo.
Hiện tại, Ấn Độ có nhiều gạo dự trữ và giá nội địa thấp hơn giá nhà nước ấn định mà Chính phủ mua gạo từ nông dân. Giá gạo xuất khẩu cũng đang giao dịch gần mức thấp nhất trong hơn 5 năm qua. Trong khi đó, dự trữ gạo và gạo đã xay xát tại các kho chứa của chính phủ là 57,82 triệu tấn, cao hơn gấp 4 lần so với mục tiêu 13,54 triệu tấn.
Khác với lúa mì, xuất khẩu gạo của Ấn Độ không tăng vọt sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra bởi khu vực biển đen không phải nhà sản xuất hoặc tiêu thụ gạo lớn.
Theo Reuters