Giá gạo tại các thị trường Đông Nam Á đang giảm mạnh do tình trạng cung vượt cầu sau khi Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu loại lương thực quan trọng này. Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, giá xuất khẩu gạo trắng của Thái Lan đạt 412 USD/tấn trong tháng 4, giảm 31% so với 599 USD/tấn vào cùng kỳ năm trước, đồng thời là mức thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 11 năm trở lại đây.
Vào tháng 9/2024, New Delhi đã dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng ngoài gạo basmati, vốn đã có hiệu lực từ tháng 7/2023. Tháng trước, Ấn Độ cũng bắt đầu cho phép xuất khẩu gạo tấm rẻ hơn, được sử dụng trong thực phẩm chế biến. Hầu hết các nhà phân tích cho biết giá gạo trắng quốc tế sẽ tiếp tục giảm.
Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới tính theo sản lượng (theo số liệu từ mùa vụ 2022-2023). Nông nghiệp chiếm chưa đến 10% tổng sản phẩm quốc nội, nhưng việc nông dân Thái Lan không muốn trồng lúa do giá giảm sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong và ngoài nước. Gạo Việt Nam cũng bị ảnh hưởng từ tình trạng này, hiện giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 400 USD/tấn, thấp hơn khoảng 40% so với cuối năm 2023.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm 40% thị phần toàn cầu. Xuất khẩu từ Ấn Độ vượt qua xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam cộng lại.
Không chỉ riêng Ấn Độ, động thái của các thị trường nhập khẩu chủ đạo cũng gây áp lực lên 2 "thủ phủ" gạo của châu Á . Cụ thể, Indonesia - quốc gia tiêu thụ gạo lớn thứ tư thế giới sẽ ngừng nhập khẩu gạo trong năm nay. Tổng thống Prabowo Subianto đang thúc đẩy nông nghiệp nhiều hơn để thực hiện lời cam kết đạt được khả năng tự cung tự cấp lương thực vào đầu năm 2026.
Philippines đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực vào tháng 2 nhằm kiểm soát lạm phát, đồng thời tung gạo dự trữ ra thị trường nhằm hạ giá gạo . Trong những tuần gần đây, càng có nhiều nhà nhập khẩu gạo ở Philippines cố gắng đàm phán để giảm giá.
"Vì gạo là lương thực chính ở Đông Nam Á, giá gạo là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân", Tetsuya Kaneko, nhà phân tích chính tại Viện nghiên cứu Marubeni cho biết. "Với xu hướng các nước nhập khẩu cải thiện tỷ lệ tự cung tự cấp, khối lượng xuất khẩu từ các nước như Thái Lan và Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực giảm trong trung và dài hạn".
Các nhà xuất khẩu gạo đang thực hiện các bước để giảm thiểu hậu quả. Tháng trước, chính phủ Thái Lan cho biết họ đã đàm phán với Ấn Độ và Việt Nam để ổn định giá xuất khẩu bằng cách điều chỉnh khối lượng xuất khẩu và tránh cạnh tranh quá mức.
Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt gạo kỷ lục đã tổ chức một hội chợ thực phẩm quốc tế vào tháng 3, nơi Chính phủ Thái Lan quảng bá gạo của mình. Nước ta cũng xác định Nhật Bản là điểm đến xuất khẩu đầy hứa hẹn ngang hàng với Mỹ và Châu Phi.
Tuy nhiên không giống như Thái Lan và Việt Nam - nơi gạo hạt dài là tiêu chuẩn, Nhật Bản chủ yếu tiêu thụ các loại gạo hạt ngắn. Kenichi Shimomura, người đứng đầu bộ phận Châu Á - Nhật Bản tại công ty tư vấn Roland Berger của Đức, cho biết nhu cầu gạo của Nhật Bản hiện cao hơn mức từng thấy kể từ những năm 1990. Nhật Bản đã nhập khẩu gạo Thái Lan trong trường hợp khẩn cấp vào thời điểm đó.
Shimomura cho biết: "Điều quan trọng là gạo nhập khẩu có thể rẻ hơn bao nhiêu so với gạo Nhật Bản".