Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 4/2024 Việt Nam xuất khẩu được 6.386 tấn quế , tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 19 triệu USD, tăng 16,2% về lượng so với tháng 3/2024.
Các thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam bao gồm: Ấn Độ đạt 1.815 tấn, tăng 62,1%; Mỹ đạt 942 tấn, tăng 2,3%; Bangladesh đạt 848 tấn, tăng 32,1%; Iran đạt 217 tấn, tăng 267,8% và UAE đạt 212 tấn, tăng 133% so với tháng 3.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong tháng bao gồm: Prosi Thăng Long đạt 840 tấn, Olam Việt Nam đạt 500 tấn, Tuấn Minh đạt 471 tấn, Gia vị Sơn Hà đạt 408 tấn và Senspices Việt Nam đạt 189 tấn.
Tính chung, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 22.352 tấn quế , tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 65,2 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 9,4% và giá trị giảm 11%.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam đạt 6.132 tấn, chiếm 27,4%, tuy nhiên so cùng kỳ giảm 32,9%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 đạt 3.137 tấn, chiếm 14% và tăng 13,9%; Bangladesh đứng thứ 3 đạt 2.042 tấn, chiếm 9,1% và so cùng kỳ giảm 34,8%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu bao gồm: Prosi Thăng Long đạt 2.748 tấn, Gia vị Sơn Hà đạt 1.722 tấn và Olam Việt Nam đạt 1.126 tấn.
Quế là loại gia vị lâu đời nhất trên thế giới. Nó được phát hiện và sử dụng đầu tiên ở Trung Quốc. Sau đó lan sang châu Âu và đi khắp thế giới bằng con đường giao thương buôn bán. Trên thế giới, cây được trồng ở nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Lào, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka, Nam Mỹ,…
Ở nước ta, Quế phân bố hầu khắp các vùng trên cả nước. Tuy nhiên, phải kể đến bốn vùng trồng quế tập trung là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa – Nghệ An và Quảng Nam – Quảng Ngãi. Ngoài ra, mỗi vùng miền có thể có cách gọi tên khác như Quế Yên Bái, Quế Qùy, Quế Quảng, Mạy quế (Tày)…
Việt Nam cũng là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD vào năm 2022. Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tổng sản lượng quế của Việt Nam đạt hơn 41.400 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu và là nước xuất khẩu đứng đầu thế giới. Nhu cầu về quế hằng năm trên toàn cầu đang tăng nhanh, khoảng từ 8% đến 12% đã khiến giá quế ngày càng tăng cao, nhất là từ năm 2016 đến nay.
Cây quế nhân giống bằng phương pháp vô tính sau 6 - 7 năm cho thu hoạch, nhưng trồng bằng hạt phải sau 20 năm. Cây quế được khai thác toàn phần từ thân cây, vỏ cây, lá và quả.
Ngoài việc là một loại gia vị dùng trong các món ăn như phở của Việt Nam, cà ri của Ấn Độ và các món ăn từ Âu đến Á khác, quế còn xuất hiện trong nhiều bài thuốc dân gian với các tác dụng chữa đau mắt, ho hen, bồi bổ cho phụ nữ sau sinh, đau bụng tiêu chảy…Trong quế chứa một loại tinh dầu tên là cinnamaldehyde, có tác dụng đẩy nhanh quá trình trao đổi chất giúp cho lượng calo dư thừa bị đốt cháy nhanh hơn và giảm mỡ.
Trong đời sống hàng ngày, quế có nhiều ứng dụng như trong ẩm thực dùng làm gia vị; chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ như túi thơm thảo mộc, xông nhà, làm miếng lót giày, dùng để xông, tắm, ngâm,…