Trông cuộc chiến chống lại rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường tại nhiều thành phố, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilon, đồ nhựa trong kinh doanh. Theo quy định này, vi phạm lần đầu sẽ bị phạt tiền lên tới 366 USD và phạt tù nếu tái phạm, theo tờ Washington Post.
Trên thực tế, Ấn Độ là quốc gia có lượng sử dụng nhựa trên đầu người chỉ 11kg, tương đối thấp so với các nước phương tây – nơi có mức tiêu thụ tăng tới 10 lần mỗi năm. Tuy nhiên, các thành phố và nguồn nước tại Ấn Độ lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi rác thải nhựa, đặc biệt ở Mumbai – nơi những bờ biển dài phủ kín rác nhựa. Khi thủy triều lên, hàng núi rác theo dòng nước tràn vào đường phố và vỉa hè của thành phố này.
Kể từ khi quy định cấm sử dụng bao bì và đồ nhựa có hiệu lực vào thứ 7 tuần trước, giới chức trách Ấn Độ đã xử phạt 87 cửa hàng, trong đó có nhiều cửa hàng thuộc chuỗi của Startbucks và McDonald's, thu số tiền phạt tổng cộng 5.000 USD.
Nhiều cửa hàng của McDonald's và Starbucks bị phạt theo quy định cấm sử dụng bao bì và vật dụng nhựa tại Ấn Độ - Ảnh: Getty Images.
Mumbai là thành phố lớn nhất tại Ấn Độ thi hành lệnh cấm này, cùng với nhiều quốc gia như Kenya, Rwanda, áp dụng hình phạt bỏ tù đối với vi phạm sử dụng bao bì là túi nilon. Được đưa ra bởi chính quyền bang Maharashtra – bang có 110 triệu dân – lệnh cấm này được dự báo sẽ giúp giảm gần 26.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày của Ấn Độ.
Lệnh cấm này là một phần trong nỗ lực quốc gia nhằm làm sạch các thành phố và thị trấn của Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới xử lý tình trạng suy thoái môi trường và ô nhiễm rác thải nhựa.
"Rác thải nhựa đang trở thành mối đe dọa của nhân loại. Rất nhiều rác thải nhựa không được phân loại để tái chế và tồi tệ hơn là nhiều trong số đó không thể phân hủy được", ông Modi nói.
Tuy nhiên, một số người cho rằng lệnh cấm khiến các nhà bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các đơn vị kinh doanh đường phố nhỏ hay bán hàng rong ở chợ phụ thuộc rất nhiều vào túi nilon để gói sản phẩm. Viren Shah, Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội phúc lợi thương nhân bán lẻ cho biết khoảng 300.000 đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ tại Mumbai bị sụt khoảng 50% doanh số kể từ khi lệnh cấm được ban hành. Và vẫn còn lẫn lộn về loại nhựa được và không được phép sử dụng.
Shah cho biết khoảng 2.000 cửa hàng nhỏ bị buộc phải đóng cửa vào cuối tuần và một lượng lớn các mặt hàng dễ hỏng như sữa, sữa chua, trái cây đã bị bỏ phí khi các cửa hàng sợ bị phạt theo lệnh cấm này.
Nhiều chủ kinh doanh nhỏ đang kiểm tra tổn thất và có thể sẽ tiến hành biểu tình cho đến khi chính phủ lắng nghe những lo lắng của họ, Shah cho biết.
"Chúng tôi đã viết thư cho chính phủ và nói rằng tất cả các cửa hàng thực phẩm sẽ mua lại túi nhựa tái chế từ khách hàng với giá khoảng 2 Rupee nhưng không được chấp nhận", Shah nói với Hindustan Times.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất nhựa Ấn Độ, ngành công nghiệp nhựa của nước này có thể thiệt hại khoảng 2,2 tỷ USD và khoảng 300.000 bị mất việc do lệnh cấm này.
Kể từ tháng 3/2018, người dân và đơn vị kinh doanh ở Mumbai được cho thời hạn 3 tháng để dừng hoàn toàn việc sử dụng túi nilon cũng như vật dụng bằng nhựa và tìm giải pháp thay thế bền vững hơn.
Xử lý rác thải nhựa là động thái mới nhất trong chương trình Làm sạch Ấn Độ (Clean India) của Thủ tướng Modi, nhằm giải quyết các vấn đề vệ sinh môi trường của nước này thông qua các chiến dịch nâng cao ý thức của người dân, kêu gọi ngừng xả rác ra nơi công cộng.