Theo Interfax, chính phủ Nga ngày 24/12 đã gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo và các sản phẩm gạo thêm 6 tháng nữa, tức là đến ngày 30/6/2025.
Theo Chính phủ Nga, việc gia hạn lệnh cấm này là để đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường trong nước.
Theo thông báo, lệnh cấm không áp dụng đối với xuất khẩu gạo sang các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu gồm Armenia, Belarus , Kazakhstan và Kyrgyzstan, vùng Nam Ossetia và Abkhazia. Theo tuyên bố, gạo từ Nga cũng có thể được chuyển ra nước ngoài dưới dạng viện trợ nhân đạo.
Theo yêu cầu của các đối tác nhà nước về việc cung cấp hạt giống, gạo để gieo trồng cũng đã được loại khỏi lệnh cấm
Nga vốn nổi tiếng với lúa mỳ nhưng vẫn trồng lúa, chủ yếu ở các vùng phía Tây Nam nước này, gần biên giới với Azerbaijan , Gruzia và Kazakhstan. Ngoài ra, có một phần sản lượng nhỏ ở miền Đông nước Nga dọc biên giới với Trung Quốc và Triều Tiên. Khoảng 73% sản lượng gạo của Nga được trồng ở vùng Krasnodar.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Nga nhằm bảo vệ thị trường nội địa sau khi tổ hợp thủy điện Fedorovsky ở vùng Krasnodar gặp sự cố vào tháng 4/2022. Chính sự cố này đã khiến sản lượng gạo của Nga năm 2022 giảm xuống còn 797.600 tấn so với mức 1,076 triệu tấn được ghi nhận của năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên Nga ghi nhận sản lượng gạo dưới 1 triệu tấn trong những năm gần đây.
Lệnh cấm trên có hiệu lực từ 1/7 cho đến ngày 31/12/2022, sau đó được gia hạn từ ngày 1/1 - 30/6/2023 và từ 1/7 - 31/12/2023. Không dừng lại, lệnh cấm được tiếp tục từ 1/1 - 30/6/2024 và từ 1/7 - 31/12/2024.
Trong khi đó, cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ký quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, điều kiện đi kèm là giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn. Việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ là một thông tin quan trọng trong với thị trường lúa gạo toàn cầu. Ấn Độ hiện là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới gần 40% thị phần toàn cầu, trong đó gạo tẻ thường chiếm tỷ lệ đáng kể.
Gạo cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, Việt Nam đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, khoảng 9 triệu tấn với 5,7 tỷ USD.
Giá gạo xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn. Giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ba năm vừa qua đã có hành trình tăng ấn tượng, tăng tới trên 28%, kéo theo kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng hai con số.
Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ 17 triệu tấn, Thái Lan 10 triệu tấn.