Chi hội nghề làm vườn ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú được Hội ND thành lập từ tháng 3/2017, với 25 thành viên tham gia canh tác trên tổng diện tích 17ha.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chi hội trưởng Chi hội Nghề làm vườn xã Thạnh Mỹ Tây, cho biết, thông qua các buổi họp mặt hàng tháng, các thành viên trong Chi hội chia sẻ kinh nghiệm làm vườn, nguồn giống cây trồng, đầu ra cho sản phẩm, nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất...
Ngoài ra, bà con nông dân còn được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật làm vườn; tư vấn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với giá hợp lý; tiêu thụ nông sản với giá cao… nên các thành viên rất phấn khởi.
Tham gia mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, các hộ làm vườn ở An Giang có thu nhập cao. Ảnh: Minh Hiển
Chủ tịch Hội ND huyện Châu Phú Huỳnh Minh Ngọc thông tin: Hiện nay, Hội ND huyện đã thành lập được 8 chi hội và 3 tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn huyện. Trong đó, nổi bật là các chi hội nghề nghiệp làm vườn ở các xã: Khánh Hòa, Ô Long Vĩ, Thạnh Mỹ Tây… với diện tích vài chục ha mỗi mô hình. Các chi hội này đã cho thấy hiệu quả trong việc giúp đỡ nông dân sản xuất thuận lợi hơn, nhất là mô hình bưởi da xanh và nhãn xuồng cơm vàng...
Qua 3 năm thực hiện Đề án 24 của Hội ND Việt Nam về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, các cấp Hội ND trong tỉnh đã xây dựng được 30 chi hội và 136 tổ hội nghề nghiệp với 2.518 hội viên tham gia sinh hoạt, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp. Tất cả các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đều hoạt động trên tiêu chí “5 cùng”: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Nhiên- Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang cho biết: Việc thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp phải dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt là phải theo nhu cầu của nông dân. Ngoài ra, Hội ND các cấp phải căn cứ vào các yếu tố khác như: Thị trường, tình hình sản xuất của địa phương, những thuận lợi, khó khăn của nông dân để thành lập chi hội, tổ hội nghề nghiệp nhằm mang đến lợi ích thiết thực. Đây là cách để hội viên, nông dân “chuyên môn hóa” nội dung sinh hoạt, cùng bàn luận về 1 lĩnh vực, 1 vấn đề sâu sắc hơn.
Để hỗ trợ các chi, tổ hội nghề nghiệp, các cấp Hội ND tỉnh An Giang đã phối hợp tổ chức 510 buổi tuyên truyền, vận động cho trên 15.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân có cùng sản xuất 1 loại giống, cây, con… Ngoài ra, các cấp Hội ND còn tạo điều kiện để các chi, tổ hội nghề nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hội viên, nông dân.
Với những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội ND tỉnh An Giang sẽ chọn lựa những nơi có điều kiện tương ứng với mô hình cụ thể để tiến hành xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp phù hợp, trên cơ sở đó sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh.