Khai trương cửa hàng mới, mở rộng thị trường là câu chuyện hiếm trong bối cảnh đóng cửa hàng loạt, trả mặt bằng. Bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm vẫn là ngành “ăn nên làm ra” dù dịch bệnh.
Lội ngược dòng
Khó khăn đang bao trùm, nhưng không phải cơ hội hoàn toàn biến mất và không phải các nhà bán lẻ nào cũng gặp khó khăn như nhau. Thời gian qua, giới đầu tư quốc tế chứng kiến diễn biến giá cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ lớn trong xu hướng tăng như Walmart, Costco, Kroger, Target,...
Điểm chung đều là các doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu, nắm bắt xu thế tốt, cung cấp đủ hàng hóa tới các kênh để có thể đáp ứng người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, hàng thiết yếu, Tập đoàn BRG đã mở thêm 10 cửa hàng bán lẻ Hapro Food trong chuỗi BRG Mart. Các cửa hàng này được mở trên các tuyến phố trung tâm của Thủ đô, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu tới người dân với mức giá bình ổn, đặc biệt là 13 nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của TP. Hà Nội.
Bất chấp Covid-19, bán lẻ ngoại vẫn mở rộng "chân rết" |
Tương tự, chuỗi Bách Hóa Xanh tiếp tục mở thêm 90 điểm bán, tăng vọt so với trung bình khoảng 30 điểm bán mới trong tháng 1 và tháng 2, nâng tổng số cửa hàng lên 1.158. Với việc mở rộng địa bàn phục vụ thêm 2 tỉnh mới là Cà Mau và Đắk Lắk, Bách Hóa Xanh đã có sự hiện diện tại tất cả 19 tỉnh thành khu vực Nam Bộ và 4 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ.
Đình đám nhất trên thị trường gần đây phải kể đến chuỗi cà phê Ông Bầu. Thử nghiệm cửa hàng đầu tiên ở quận 4, TP.HCM hồi tháng 2, gặp ngay mấy tháng dịch Covid-19 nhưng đến nay chuỗi cà phê Ông Bầu đã đạt mốc 100 điểm bán trên cả nước. Chưa dừng lại ở đó, 3 "ông bầu" đặt tham vọng đến năm 2022 mở được 10.000 quán trên toàn quốc.
Các đại gia lớn có tiềm lực cũng nhân cơ hội này mở rộng thị phần. Thương hiệu bán lẻ thời trang Uniqlo vừa công bố sẽ lần lượt mở thêm hai cửa hàng mới tại Hà Nội. Cửa hàng mới đều có quy mô 2.000 m2.
Sau hơn nửa năm ra mắt tại Việt Nam, gặp dịch Covid-19 nhưng nhà bán lẻ này vẫn tập trung vào việc mở cửa hàng và bán hàng trực tiếp, nhưng chưa có kênh bán hàng trực tuyến (online). Hiện, thương hiệu này có 4 cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội.
Thương hiệu bán lẻ đình đám khác của Nhật Bản, Muji chính thức chào sân thị trường Việt Nam với cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại TP.HCM. Động thái này được cho là bước đà để Muji tiến hành mở cửa hàng đầu tiên trong thời gian tới.
Điều đáng nói là trong khi đang từng bước thâm nhập vào thị trường Việt Nam thì công ty của Muji tại Mỹ lại vừa nộp đơn phá sản sau 3 năm thua lỗ liên tiếp.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực bán buôn bán lẻ thu hút gần 1,1 tỷ USD vốn ngoại - đứng thứ 4 trong 18 ngành lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam.
Tận dụng cơ hội
Dù sức mua có giảm nhưng ngành bán lẻ vẫn là một trong những động lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ mới vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Theo Bách Hóa Xanh, đơn vị này đã bán ra hơn 40 ngàn tấn thực phẩm tươi sống (tăng trưởng 48% so với cùng kỳ), phục vụ gần 17 triệu lượt khách hàng đến mua sắm.
Tận dụng cơ hội mở rộng thị trường |
Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng tăng đột biến vượt mức 1,6 tỷ đồng. Trên kênh Bách Hóa Xanh online, số lượng đơn đặt hàng trong tháng 3 tiếp tục tăng xấp xỉ 17% so với tháng 2 và gấp 1,5 lần so với tháng 1/2020.
Đại diện một đơn vị cho hay, việc khai trương thêm cửa hàng thời điểm này là đang lội ngược dòng. “Chúng tôi nhận định dù đang khó khăn nhưng cũng là lúc để làm quen với thị trường”, bà cho hay.
Điểm thuận lợi hiện nay là doanh nghiệp có thể chủ động thương lượng được giá thuê mặt bằng tốt hơn. Hiện giá mặt bằng cho thuê giảm khoảng 10-20% so với đầu năm và có khả năng giảm thêm trong vài tháng tới.
Theo Savills Việt Nam, áp lực về giá thuê đã lắng dịu trong vài tháng gần đây, đặc biệt có sự điều chỉnh hợp lý hơn để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đơn vị bán lẻ. Điển hình, giá mặt bằng bán lẻ tại các khu vực phố cổ trung tâm đã giảm sâu so với trước Covid-19, giá của các vị trí vàng có thể giảm tương đương 30-40% để thu hút khách hàng tiếp tục thuê mặt bằng.
Lạc quan về thị trường, theo đánh giá của đơn vị này, các ngành hàng ẩm thực, khu vui chơi giải trí, trung tâm giáo dục và thể thao được dự đoán sẽ phục hồi đầu tiên, do người tiêu dùng không chỉ nhanh chóng trở lại nếp sống bình thường sau thời gian thực hiện cách ly xã hội, mà còn được dự báo sẽ trở nên bùng nổ.
Dự báo trong thời gian tới, vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào ngành bán lẻ Việt Nam đi cùng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP. Đặc biệt, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá đang hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.
Dự báo quy mô thị trường gần 100 triệu dân, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%.
Duy Anh