Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khi thăm Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ ngày 5/11. Cụ thể, Thứ trưởng đã đến kiểm tra công tác tái vận hành và hoạt động của nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Đây là dự án hợp tác giữa Tập đoàn An Phát Holdings (APH), Công ty Cổ phần xơ sợi tổng hợp An Sơn (công ty con trực thuộc APH) và Công ty Cổ phần hóa dầu và xơ sợi Dầu khí (PVTex).
Tiếp đón Thứ trưởng, về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có Phó tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng; phía PVTex có Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Đào Văn Ngọc. Về phía Tập đoàn An Phát Holdings (APH) có Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Ánh Dương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xơ sợi Tổng hợp An Sơn Hồ Trí Dũng.
Nhà máy PVTex thuộc danh sách 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương, tháng 9/2015 nhà máy đã phải dừng hoạt động do nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương và PV Tex đã tích cực tìm kiếm đối tác để vực dậy và tái vận hành nhà máy.
Sau thời gian thương thảo, tháng 4/2018, Tập đoàn An Phát Holdings (APH) với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài đến từ Singapore và Ấn Độ đã chính thức trở thành đối tác chiến lược trong việc tái khởi động lại nhà máy PVTex với sự kiện kí Biên bản ghi nhớ (MoU) về Hợp tác sản xuất kinh doanh với PVTex. Đây là sự kiện và bước tiến có ý nghĩa hết sức quan trong việc đẩy nhanh tiến độ tái khởi động nhà máy.
Đến ngày 24/7/2018, lễ ký hợp đồng gia công sợi DTY giữa PVTex với APH và Công ty Cổ phần Xơ sợi tổng hợp An Sơn (đơn vị được ủy quyền bởi Tập đoàn An Phát Holdings) đã được chính thức tiến hành. Đây là cột mộc chính thức hiện thực hóa biên bản MoU trước đó giữa APH và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Theo nội dung hợp tác, APH sẽ cử các nhà quản lý, chuyên gia của tập đoàn, Công ty An Sơn, đối tác Singapore, Ấn Độ trực tiếp làm việc hàng ngày tại nhà máy PVTex để hỗ trợ các lĩnh vực chủ yếu: Thu xếp nguồn vốn để tái vận hành và mở rộng sản xuất; Rà soát tổng thể hiện trạng nhà máy, lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa để sẵn sàng cho vận hành sản xuất lại; Hỗ trợ trong công tác bảo dưỡng sửa chữa nhà máy theo kế hoạch đã lập; Đào tạo chuyên môn về qui trình sản xuất và công nghệ cho nhân sự nhà máy; Trực tiếp tham gia điều hành quản lý sản xuất, đào tạo quản lý sản xuất; Hỗ trợ kỹ thuật sau bán hàng.
Sau 4 tháng kể từ khi kí kết hợp tác bốn bên, dự án tái khởi động nhà máy PV Tex đã đạt những kết quả như: Mục tiêu đến cuối quý 4/2018, dự kiến tiếp tục nâng công suất sản xuất sợi DTY lên 10 dây chuyền, công suất ước đạt 700-750 tấn/tháng
Cuối năm 2019, APH, An Sơn và PVN, PV Tex dự kiến sẽ vận hành toàn bộ nhà máy và đưa vào sản xuất thêm sợi PSF, công suất dự kiến 380- 400 tấn/ngày
Trực tiếp thăm nhà máy PV Tex, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã bày tỏ sự vui mừng khi APH và PVTex đã hợp tác tốt và đem lại hiệu quả rõ rệt, công suất đã tăng lên gấp đôi, công tác sản xuất, kinh doanh được tổ chức bài bản, kế hoạch cho thời gian tới rõ ràng.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã được vận hành trở lại, công suất tăng gấp đôi.
Đặc biệt, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá cao Tập đoàn An Phát Holdings về ý chí và tinh thần chung vai gánh vác với Tập đoàn Dầu khí, PV Tex trong quá trình vận hành lại nhà máy.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn An Phát Holdings, ông Phạm Ánh Dương đã khẳng định: "Trước khi đi đến quyết định hợp tác khởi động lại PV Tex, An Phát đã có một quá trình tìm hiểu, khảo sát kỹ lưỡng, kéo dài hơn 2 năm. An Phát Holdings nhận thấy để hợp tác thành công cần phải có giải pháp tổng thể, huy động lực lượng lớn cả về nguồn vốn và nhân sự. Hiện tại và tương lai, cả tập đoàn sẽ quyết tâm để đạt được thành công với dự án PV Tex".
PVTex có tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng) ra đời cuối năm 2008, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh về dệt may và nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Với tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi, dự án được thành lập với mục tiêu tận dụng dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay PVTex thua lỗ triền miên. Năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 1.255 tỷ đồng. Dự án dừng hoạt động từ năm 2015 dù vậy tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.