Năm 2023 là một năm chưa thuận lợi đối với ông lớn thép Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long. Doanh nghiệp này kết thúc năm 2023 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 6.800 tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước.
Thông thường, ngành sản xuất kinh doanh thép đóng góp hơn 90% vào kết quả kinh doanh của HPG, tuy nhiên HPG cho biết năm 2023 lĩnh vực này suy giảm do giá nhiên liệu tăng cao, giá thép biến động giảm đồng thời biến động tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, HPG ghi nhận chi phí lãi vay 3.585 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước.
Nợ phải trả của của doanh nghiệp đầu ngành thép đã lên gần 85.000 tỷ đồng cuối năm 2023. Trong đó vay nợ tài chính chiếm 65.380 tỷ đồng, gồm gần 55.981 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 10.399 tỷ đồng vay dài hạn.
Đáng chú ý, danh sách chủ nợ của HPG bên cạnh các ngân hàng lớn thì còn có một cá nhân là bà Nguyễn Thị Tố Hoài cho HPG vay đến 325 tỷ đồng. Khoản 325 tỷ đồng bà Nguyễn Thị Tố Hoài cho HPG vay dài hạn bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2022 và năm nay là thời điểm đáo hạn khoản vay này. Từ đó, bà Hoài cũng là cá nhân duy nhất xuất hiện trong danh sách các chủ nợ của HPG. Tuy nhiên, mục đích khoản vay này chưa bao giờ được thuyết minh chi tiết trong BCTC của HPG.
Tuy nhiên quan hệ vay nợ của bà Hoài và HPG không chỉ là một chiều. Báo cáo tài chính của HPG cũng cho thấy nhiều lần bà Tố Hoài phải vay lại từ HPG.
Từ trước khi khoản cho HPG vay trị giá 325 tỷ đồng của bà Hoài ghi nhận trên BCTC thì cái tên Nguyễn Thị Tố Hoài cũng đã xuất hiện nhiều lần tại các khoản mục liên quan đến các khoản phải thu về cho vay ngắn và dài hạn.
Đến cuối năm 2023, bà Hoài còn khoản vay ngắn hạn 8,4 tỷ đồng (lãi suất 6%/năm) và 95,3 tỷ đồng (lãi suất 6%/năm). Được biết các khoản vay này là khoản HPG cho vay cá nhân nhằm mục đích xây dựng và đầu tư các hạng mục chuồng trại, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất mà sau đó HPG sẽ thuê lại. Gốc và lãi của các khoản vay này sẽ được cấn trừ với tiền thuê trang trại trong suốt thời gian thuê.
Trên thực tế, HPG cũng có một gương mặt nữ tướng lâu năm là Nguyễn Thị Tố Hoài. Được biết, bà Hoài đã gắn bó với Hòa Phát hơn 20 năm.
Do không giữ vị trí lãnh đạo tại Tập đoàn Hòa Phát và các công ty thành viên không niêm yết nên tỷ lệ sở hữu của bà Hoài tại HPG không có con số chính xác. Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Tố Hoài từng là nhà đầu tư nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất trong đợt HPG chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu năm 2010.
Bà Hoài từng trải qua vị trí quan trọng tại công ty thành viên như Phó giám đốc Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên và hiện đang đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất.
Khu liên hợp Gang Thép Hòa Phát Dung Quất là dự án trọng điểm của Hòa Phát với tổng diện tích 700 ha, tổng công suất thiết kế là 11,6 triệu tấn thép/năm, tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ USD Trong đó, Dung Quất 1 đã đi vào hoạt động đồng bộ từ năm 2021, công suất 6 triệu tấn/năm, gồm 3 triệu tấn HRC và 3 triệu tấn thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao. Dung Quất 2 đang được triển khai có quy mô công suất 5,6 triệu tấn HRC chất lượng cao mỗi năm. Thông tin mới đây cho biết, những hạng mục đầu tiên của Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào cuối 2024.