Mặc dù giá đất tăng mạnh, thế nhưng lượng người mua vẫn tăng vì khả năng sinh lợi nhuận của nhà đất Cần Giuộc ở mức cao nhất nhì toàn tỉnh Long An. Nhiều khách hàng cho biết, nhờ nhiều dự án giao thông kết nối với TPHCM mà đầu tư vào các nơi này đang có lợi tức cao.
Hai năm trở lại đây, tỷ lệ tăng giá đất trung bình mỗi năm đạt khoảng 25 - 30%. Nhiều điểm sốt đất hình thành và thu hút được khách hàng từ nhiều địa phương khác nhau. Mặc dù so với giá đất thành phố Tân An, giá đất Cần Giuộc thấp hơn khoảng 20 - 45% tùy thuộc vị trí. Thế nhưng, Cần Giuộc đang có quỹ đất sạch khá lớn, cộng với là vùng giáp ranh với TPHCM nhưng có mức giá được xem là hợp lý với túi tiền người mua nên nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng.
Anh H.N, nhân viên môi giới của một sàn BĐS tại TPHCM, cho biết những năm trước, tại huyện Đức Hòa giá đất nền chỉ từ vài ba triệu đồng/m2, năm 2019 lên tới gần 20 triệu đồng/m2, hiện nay đang được chào bán khoảng 20-25 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, qua khảo sát tại một số điểm thuộc Thị trấn Hiệp Hòa, Bến Lức giá đất cũng tăng từ 20 - 30% so với năm 2017. Đặc biệt, giá đất tại các khu vực có hạ tầng phát triển và giáp ranh TPHCM, như Cần Giuộc từ 15 - 30 triệu đồng/m2, tăng 40 - 60% so với năm trước. Giá đất chỉ bắt đầu "leo thang" khi các dự án này công bố. Nơi nào có dự án và hạ tầng phát triển, khu vực đó giá đất càng nhanh tăng...
Các dự án thị trường nhà đất Cần Giuộc có ưu thế có pháp lý hoàn chỉnh được ghi nhận tỷ lệ hấp thụ cao ấn tượng. Đáng chú ý trong quý 4/2019, thị trường đón nhận thêm dự án Hiep Phuoc Harbour View ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Tạo nối dài và sở hữu 2km sông Soài Rạp.
Ngay khi vừa ra mắt, các sản phẩm đất nền nhà phố ven sông của dự án đã nhanh chóng gây sốt với mức giá chỉ từ 1,29 tỷ đồng/nền sổ đỏ sở hữu lâu dài, thời gian thanh toán kéo dài 24 tháng, đợt đầu chỉ 15%. Đặc biệt, với vị trí thuận tiện di chuyển, kế cận KĐT - cảng Hiệp Phước và 20 phút đến Phú Mỹ Hưng, dự án được xem là giải pháp tích lũy BĐS an toàn và hiệu quả cuối năm 2019.
Theo ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, việc doanh nghiệp bất động sản TPHCM ồ ạt đổ về tỉnh làm dự án và bán hàng cho thấy TPHCM đang khan hiếm nguồn cung cục bộ. Tình trạng thiếu hụt sản phẩm mới manh nha từ cuối năm 2017 đầu năm 2018 và tác động đến cung cầu trên thị trường địa ốc TPHCM rõ nhất từ quý III/2018.
"Điều này đã dẫn đến hệ quả là làn sóng mở rộng thị trường về những địa bàn mới ngày càng mạnh mẽ. Hơn nữa, giá bán đất nền Long An còn thấp so với TPHCM nên dễ dàng thu hút được khách hàng", ông Chánh nói thêm.
Theo tìm hiểu, hiện đã có nhiều nhà đầu tư lớn tham gia vào thị trường Long An như Vingroup, Vạn Thịnh Phát, Nam Long, Thủ Đức House... Chẳng hạn, UBND tỉnh Long An đã thống nhất về chủ trương để Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp nhận, đầu tư nhiều dự án mới trên địa bàn huyện Cần Giuộc. Tất cả các dự án này gồm có 3 dự án đầu tư cụm công nghiệp, 7 khu dân cư thương mại dịch vụ và nhiều dự án nhà ở tái định cư, với tổng diện tích trên 1.500ha.
Tập đoàn Him Lam cũng được chấp thuận đầu tư khu kinh tế mở quy mô hơn 32.300 ha, nằm trên địa bàn hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc; gồm KCN công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu cảng biển quốc tế với trọng tâm là khu đô thị sinh thái 15.000ha.
Các dự án bất động sản lớn do các chủ đầu tư chuyên nghiệp có thương hiệu nổi tiếng bắt đầu được xây dựng rầm rộ và chào bán trên thị trường, tạo những chuyển biến và xu hướng đầu tư ra vùng ven giáp ranh TPHCM rất rõ nét. Tiêu biểu phải kể đến T&T Long Hậu với quy mô 237 ha, Long Hậu Riverside 20 ha, Five Star Eco City 420ha của Tập đoàn Quốc Tế Năm Sao và những dự án khu đô thị nằm dọc sông Soài Rạp.
"Để giữ chân các nhà đầu tư ở lại, việc quan trọng số một là gắn kết Long An với TPHCM. Đồng thời, cần bổ sung giao thông kết nối với các đường chính đô thị giữa Long An và các quận huyện giáp ranh với TPHCM cũng như đẩy mạnh tuyến nội bộ kết nối khu vực", Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM nói.
Đề cập đến vấn đề này, Sở Giao thông - Vận tải Long An cho biết để tháo gỡ "điểm nghẽn", tạo sự kết nối thông suốt từ TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ xuống Đồng bằng Sông Cửu Long, cần phải có sự kết nối, hợp tác giữa các tỉnh với nhau; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và chú trọng công tác giải tỏa hành lang một số tuyến đường. Bởi có một số tuyến đường, sau khi đầu tư xong thì người dân sẽ lấn chiếm, buôn bán trên vỉa hè…, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ách tắc giao thông.
Theo đó, Long An hiện có 3 công trình giao thông trọng điểm đang triển khai gồm: Trục động lực TPHCM - Tiền Giang - Long An; Đường 830 trục Đức Hòa - Bến Lức. Đoạn Đức Hòa - Bến Lức đầu tư theo hình thức BOT. Đoạn Bến Lức đến Quốc lộ 50 đang sang giai đoạn 2. Đoạn Quốc lộ 50 sang cảng Tân Tập dự kiến tháng 4/2020 sẽ thông xe; Đường vành đai TP. Long An gồm 4 đoạn, Long An đầu tư hai đoạn. Hai đoạn còn lại sẽ kêu gọi đầu tư và dự kiến đến quý III/2020 sẽ hoàn thành.
Bên cạnh đó, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án: Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (vượt Kênh Tẻ và rạch Bến Nghé) nối các quận 1, 4, 7; Nâng cấp quốc lộ 50 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An); Xây dựng mới cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương; Nâng cấp đường Phạm Hữu Lầu (đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Phước Long); Xây dựng đường Nhơn Đức - Phước Lộc nối dài (đoạn từ cầu Kênh Cây Khô đến quốc lộ 50); Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng; Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50.
Theo UBND TPHCM, địa phương hiện đang đầu tư, kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các khu, cụm công nghiệp với nhau, kết nối với khu đô thị cảng Hiệp Phước, Cảng biển Quốc tế Long An, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là kết nối với các huyện giáp ranh: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và TP.Tân An.