LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Trần Thị Thanh Hương ở Quận 1, TP.HCM gửi tới cuộc thi viết về Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn đến ước mong do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
-----------
Tôi chỉ đơn giản là một trong số hàng vạn khách hàng sinh thời từ những năm của thập niên 7x tìm thấy sự lý thú trong trải nghiệm dịch vụ ngân hàng.
Không thể quên những hồi hộp của thời sinh viên năm đầu đại học, trống ngực đập thình thịch rụt rè bước qua cánh cửa nghiêm và lạnh của một ngân hàng, chìa tấm thẻ nhận tiền mẹ gửi mà thấy sắc mặt cô nhân viên như cả một mùa đông. Ấn tượng nhất, là cái bàn tính to bằng gỗ gụ lên nước bóng với những hạt gỗ tròn gẩy kêu lóc cóc khiến con bé sinh viên nghèo mắt ngời lên niềm tò mò và ngưỡng mộ khó cưỡng.
Ngay cả đến khi đã ra trường, với tháng lương ít ỏi được ký nhận trong một cuốn sổ rất dày, tiền tích cóp để dành việc đầu tiên nghĩ đến cũng là tích lũy mua lấy một chỉ vàng xâu vào ngón tay, ngắm mãi… Cái cảm giác xa vời vợi, nghiêm và lạnh của ngân hàng và những cô nhân viên ngân hàng thời đó trong ký ức – rõ là còn "sang chảnh" hơn bất kỳ các cô mậu dịch viên cửa hàng gạo, thịt hay bánh kẹo nào.
XEM THÊM TẤT CẢ CÁC BÀI DỰ THI của cuộc thi viết "Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn tới ước mong" tại đây
Những năm đầu chuyển sang kinh tế thị trường, rồi nền kinh tế gia đình cũng từng bước "thay da đổi thịt", tôi nhớ phố thị nhỏ nơi tôi sống như một trào lưu, đã chuyển hình thức cất giữ tiền bạc từ chiếc tủ ba buồng gỗ kiên cố sang két sắt. Và rất nhiều nhà, két sắt đặt ngay phòng khách, biểu tượng của sự sung túc, ấm no…
Hơn 20 năm với bao đổi thay, chắc chắn không chỉ tôi - cô sinh viên ngày đó, mà còn rất nhiều công chức bình thường như ba mẹ tôi, ngay cả trong tưởng tượng cũng không thể nghĩ đến một ngày có thể chứa cả gia tài tích lũy "nhẹ tênh’ chỉ trong 1 chiếc thẻ có dãy số riêng, có thể mang theo mình đi tùy thích.
Với một kẻ "ngoại đạo" về chuyên môn ngân hàng như tôi, thì việc đến với ngành ngân hàng (mặc dù không làm chuyên môn) ngoài mối duyên nghề nghiệp, đó còn là cả những sự háo hức, tò mò và ngưỡng mộ mang theo từ ký ức thưở nào. Những ô cửa ngân hàng thời hiện đại không còn quá cao nghiêm mà lấp lánh sắc màu; những nhân viên ngân hàng trẻ trung hơn, chuyên nghiệp và cũng thân thiện hơn rất nhiều.
Nhưng, sự thay lớn đổi nhất là những giá trị tiện ích trong trải nghiệm mà công nghệ hiện đại mang lại cho người dùng, có lẽ là không quá lời, với riêng tôi, sự khác biệt từ cuốn sổ tiết kiệm bìa đỏ giấy đen mẹ giữ gìn trong góc tủ, từ cái bàn tính gỗ gụ lách cách của ngân hàng thời đó đến vô số những tiện ích qua một ‘click chuột" qua mạng, một "cú chạm" trên điện thoại của ngân hàng hôm nay…cảm nhận qua lăng kính cá nhận, sự đổi thay như một "chiếc đũa thần".
Tất nhiên, như câu cửa miệng của cư dân mạng ngày nay, "hiện đại" đi kèm với "hại điện" khi buổi sáng lướt mạng xã hội vẫn thấy những tin nóng như "tiền trong tài khoản không cánh mà bay", hay "thẻ đang giữ mà tiền đã rút"… Vấn đề rủi ro vẫn, đang và sẽ là "chốt khóa" các ngân hàng cần nắm giữ, cũng như khách hàng cũng cần ý thức cao hơn trong bảo mật "chìa khóa" tài sản. Nhưng, với tôi và đa số người dùng, không thể phủ nhận, những tiện ích ngân hàng đã mang đến nhiều hơn cho những thay đổi của cả một thói quen, một tiềm thức…