Triệt tận gốc chất cấm Salbutamol
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, công tác thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm phát huy hiệu quả do được chú trọng đầu tư tăng cường năng lực và đổi mới phương thức tổ chức thực hiện theo hướng từ thanh tra theo kế hoạch là chủ yếu sang thanh tra, kiểm tra đột xuất là chủ yếu; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm theo chuyên đề dựa trên đánh giá rủi ro và diễn biến của thực tiễn sản xuất, kinh doanh... Qua đó đã góp phần giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ...
Thanh tra Bộ NNPTNT đã không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ. Ảnh: IT
Kết quả giám sát năm 2017 cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số ATTP các nhóm sản phẩm chủ lực. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng lên 93,16%.
Đặc biệt không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ; tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh chỉ còn 0,63% (năm 2016 là 1,76); tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh đã giảm còn 0,89% (năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV giảm xuống 0,6% (năm 2016 là 2,05%).
Về ATTP, theo Bộ NNPTNT, thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 2.506 cơ sở, phát hiện 373 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP và xử phạt 107 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 1,9 tỷ đồng. Các tỉnh/thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 17.269 cơ sở, phát hiện và xử phạt 3.155 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền xử phạt 24,8 tỷ đồng. Đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp tiêm thuốc an thần vào lợn trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á, TP.Hồ Chí Minh, xử phạt hành chính 320 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3.000 con lợn.
Đối với lĩnh vực thủy sản, ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Bộ NNPTNT đã đẩy mạnh triển khai đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Các địa phương đã tổ chức ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm trên địa bàn. Đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức thanh, kiểm tra 293 cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 3,9 tỷ đồng đối với 100 cơ sở bơm chích tạp chất, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Đặc biệt đã có trường hợp xem xét xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm tạp chất trên địa bàn (huyện Giá Rai, Bạc Liêu).
Theo ông Nguyễn Văn Việt – Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT, công tác kiểm tra, xác minh đã cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về các sự cố ATTP. Các sai phạm đã được xác minh, xử lý và hoạt động giám sát, kiểm tra sau đó của các địa phương đã được tăng cường nhằm ngăn chặn tái phạm.
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong năm 2017 đã kiểm tra 73.707 lô rau củ quả nhập khẩu với hơn 100 loại mặt hàng nhập khẩu trên 70 quốc gia, lấy 1.032 mẫu (rau, củ, quả, hạt) để phân tích dư lượng thuốc BVTV và độc tố nấm, kim loại nặng; kết quả không có mẫu vượt mức quy định chỉ tiêu kim loại nặng và độc tố Aflatoxin. |
“Khai tử” hơn 7.000 sản phẩm thuốc BVTV
Trong quá trình thanh tra kiểm tra, Thanh tra Bộ NNPTNT đã phát hiện ra một số chất mới chất công nghiệp trộn vào thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Việt – Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện 3 chất mới là hoá chất công nghiệp sử dụng trong chăn nuôi, là gốc của melamin tăng độ đạm. Nếu thấy đủ căn cứ cơ sở khoa học và thực hiện sẽ đề nghị Bộ trưởng đưa vào danh mục chất cấm. Nếu chúng ta có đủ mức răn đe thì sẽ thay đổi được nhận thức và hành vi của doanh nghiệp. Về thuốc BVTV, các doanh nghiệp vẫn sử dụng một số hóa chất ngoài danh mục, một số hoạt chất cấm để đưa vào thuốc BVTV nhằm tăng hiệu lực của thuốc, tuy nhiên lại ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.
Việc chuyển từ hình thức thanh tra định kỳ theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất giúp giúp phát hiện nhiều sai phạm hơn, chặn đứng tiêu cực mới phát sinh. Đồng thời, các đơn vị chức năng cũng xử phạt mạnh tay, nhiều vụ việc được đề nghị xử lý ở mức “kịch khung” theo quy định của pháp luật, bêu tên trên phương tiện thông tin đại chúng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm về lĩnh vực attp lên tới gần 80 tỷ đồng.
Đánh giá cao công tác quản lý ATTP trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: Chỉ trong vòng 2 năm (2016 – 2017), đã có hơn 9.000 tấn thuốc BVTV nhập lậu, thuốc BVTV làm giả, nhái được thu giữ, tiêu huỷ. Với việc loại bỏ 5 hoạt chất BVTV độc hại, gây nguy cơ cao mất ATTP, chúng ta đã “khai tử” hơn 7.000 sản phẩm thuốc BVTV khỏi danh mục được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Những sản phẩm trước đây chưa được quan tâm quản lý chất lượng, nay đã được đầu tư một cách xứng đáng.
“Với việc dồn tổng lực cho hoạt động truyền thông ATTP, nhận thức của người dân đã có những bước chuyển biến quan trọng. Các vụ việc lớn về an toàn thực phẩm không xảy ra, góp phần tăng trưởng cho ngành nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục với khoảng 36 tỷ USD, nông sản của Việt Nam có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ” - Bộ trưởng cho biết.
Năm 2018, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục hành động quyết liệt trên lĩnh vực ATTP. Toàn ngành phải vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Công an và các địa phương để làm tốt công tác bảo đảm ATTP”. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường |