Khởi nghiệp từ ý tưởng 'tặng hoa trong phòng trà'
Nguyễn Minh Thảo, người sáng lập và CEO Umbala đến với Shark Tank Việt Nam với mong muốn gọi vốn 150.000 USD cho 5% cổ phần công ty. Umbala là ứng dụng quay video, live stream sử dụng các hiệu ứng kỹ xảo, tính năng độc đáo đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Ý tưởng khởi nghiệp đến với Minh Thảo vài năm trước khi anh đến một phòng trà tại TP.HCM. Tại đây, mọi người có thể lấy hoa hồng trong một cái chậu đặt giữa phòng trà để tặng cho ca sĩ với giá 10.000 đồng/bông.
Ứng dụng của Umbala ra đời từ ý tưởng 'tặng hoa trong phòng trà'
Minh Thảo nhận ra rằng rất nhiều bạn trẻ có tài năng thực sự nhưng chưa được biết đến. Điều đó thôi thúc anh tạo ra một công cụ giúp họ thể hiện được tài năng và tiếp cận với mạng lưới những người yêu thích. Người xem cũng có thể lựa chọn quà tặng cho chủ nhân của các video clip khi theo dõi họ biểu diễn và trả phí.
Hiện nay Umbala có khoảng 165.000 user (người dùng). Doanh thu của công ty đến từ việc hợp tác với Viettel và Mobifone; kinh doanh 'idol business'; tìm các hợp đồng quảng cáo cho một nhóm các 'idol'. Minh Thảo cho biết Umbala từng gọi vốn tại Silicon Valey (Mỹ) nhưng không thành công.
Đội ngũ toàn người 'khủng'
Điều khiến Umbala gây ấn tượng nhất với các nhà đầu tư tại Shark Tank Việt Nam là đội ngũ gồm nhiều người tài năng và nổi tiếng. Trong đó bao gồm Hùng Trần, sáng lập và CEO GotIt! - start-up từng gọi vốn thành công 9 triệu USD tại Silicon Valey với vai trò 'Product advisor' (Cố vấn sản phẩm); Tiến sĩ ĐH Stanford Thức Vũ - một trong những người Việt khởi nghiệp thành công nhất tại Silicon Valey - cố vấn đồng thời là nhà đầu tư thiên thần; Thanh Lê - cựu kỹ sư của Google tại Mỹ từng đạt giải lập trình toán quốc tế...
Nguyễn Minh Thảo, người sáng lập và CEO Umbala
Trước đội ngũ 'khủng' của Umbala, Shark Nguyễn Ngọc Thủy - CEO Apax English đặt câu hỏi, "Nhìn vào team của em có rất nhiều người giỏi, nhưng để những người giỏi ngồi cùng nhau lại rất khó. Là CEO em phải làm gì để giải quyết bài toán đó?"
Đáp lại, Minh Thảo cho biết, "Vấn đề là quản trị con người. CEO là người 'ngu' nhất công ty, vì vậy điều quan trọng là tìm được những người giỏi hơn mình để làm việc cho mình".
Đầu tư vì thích chất 'điên' của người sáng lập
Sau phần trình bày của CEO Umbala, cả 3 Shark Phú, Shark Linh và Shark Hưng đều quyết định không đầu tư.
Bị thuyết phục bởi đội ngũ của start-up, Shark Trần Anh Vương - CEO Sam Holdings đề nghị đầu tư 150.000 USD đổi lấy 10% cổ phần công ty dù thừa nhận có thể mất trắng.
"Đây là thương vụ rất mạo hiểm, có thể mất hết nhưng anh tin vào năng lượng của các em. Nhìn vào đội ngũ này anh thấy rất "ok", Shark Vương nói.
Shark Vương và Shark Thủy 'đánh liều' đầu tư cho Umbala
Khi biết được mục tiêu của Umbala là vươn ra thế giới chứ không chỉ thành công tại Việt Nam, Shark Thủy bày tỏ mong muốn đi đường dài cùng start-up này. CEO Apax English đưa ra đề nghị 150.000 USD cho 10% cổ phần và quyền mua thêm 10% cổ phần với giá bằng nửa giá gọi vòng sau.
Sau một thời gian đàm phán, Shark Vương và Shark Thủy quyết định 'liên minh' đầu tư 260.000 USD (gần 6 tỷ đồng) cho 15% cổ phần của Umbala kèm theo điều kiện được rót thêm 260.000 USD ở vòng gọi vốn sau với giá thấp hơn 25% giá chốt với nhà đầu tư mới.
Minh Thảo cho biết, con số này thấp hơn kỳ vọng của anh, tuy nhiên 'muốn đánh lớn mình phải biết hy sinh cái nhỏ', vì vậy anh chấp nhận đề nghị đầu tư của 2 Shark. Trong khi đó, Shark Thủy cho rằng nhìn CEO của Umbala có chất gì đó 'điên điên' và tin rằng anh có khả năng 'làm nên chuyện'.