Kiều hối đã trở thành một trong những kênh góp phần tăng cung ngoại tệ, giúp ổn định tỉ giá trong năm 2019.
Góp phần tăng dự trữ ngoại tệ
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết trong 3 tháng cuối năm 2019, lượng kiều hối về qua hệ thống Sacombank tăng 30% so với các giai đoạn trước. Tại Sacombank, doanh số kiều hối năm 2019 tăng trưởng ấn tượng, gấp đôi so với năm trước và tốc độ tăng trưởng gấp 4 lần mức tăng trưởng chung của cả nước.
"Lượng kiều hối chủ yếu từ các quốc gia truyền thống như Mỹ, Anh, Canada. Lực lượng xuất khẩu lao động ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… cũng đóng góp ngày càng nhiều. Một số hoạt
động chuyển thu nhập về nước từ đội ngũ chuyên gia, các nhà đầu tư ở Singapore, Hồng Kông cũng đưa các thị trường này vào nhóm chuyển kiều hối nhiều nhất về Việt Nam" - ông Nguyễn Minh Tâm nói.
Kiều hối là một trong những kênh góp phần tăng cung ngoại tệ, giúp ổn định tỉ giá trong năm 2019. Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng Giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nhìn nhận kiều hối là một trong những hoạt động khá tốt của NH. Phần lớn khách hàng nhận kiều hối thường chuyển sang VNĐ để gửi tiết kiệm hoặc đưa vào đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Từ đó, các NH thương mại có thêm nguồn cung ngoại tệ, nhiều thời điểm dư thừa USD phải bán lại cho NH Nhà nước, góp phần cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên tới 80 tỉ USD.
NH Thế giới (World Bank) thống kê Việt Nam đang có khoảng 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Do đó, lượng kiều hối về Việt Nam tăng liên tục trong các năm gần đây. Cụ thể, năm 2017 đạt 13,81 tỉ USD. Năm 2018 tăng đột biến lên 16 tỉ USD và năm 2019 tăng thêm 700 triệu USD. Dự báo, kiều hối chảy về Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới.
Nhìn dưới góc độ các kênh đầu tư, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín, nhận định kiều hối gửi về Việt Nam có thể dùng để đầu tư sản xuất, kinh doanh; đầu tư bất động sản để sinh lời dài hạn hoặc hỗ trợ gia đình và người thân… Do đó, bản chất nguồn kiều hối thường ổn định trong trung dài hạn nên không dễ bị xáo trộn, từ đó góp phần tăng cung ngoại tệ cho thị trường cũng như góp phần ổn định tỉ giá.
Không còn găm giữ USD
Ông Nguyễn Cảnh Vinh phân tích có thể do Mỹ liên tục giảm lãi suất USD nên kiều bào tích cực gửi tiền Việt Nam để tích lũy hoặc giúp người thân làm ăn, cải thiện cuộc sống. Mặt khác, do tỉ giá VNĐ/USD ổn định, thậm chí tỉ giá vào thời điểm cuối năm 2019 thấp hơn đầu năm, lãi suất tiền gửi VNĐ bình quân 6%/năm nên người nhận kiều hối không còn găm giữ USD như trước. Nhờ thế, hệ thống NH luôn có sẵn nguồn cung USD rất lớn, bảo đảm cân đối cung cầu ngoại tệ cho thị trường.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực, đánh giá nguồn kiều hối đổ về Việt Nam tăng liên tục qua các năm, đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và ổn định tỉ giá. Những gia đình được nhận kiều hối từ người thân ở nước ngoài cũng có điều kiện tăng thu nhập, kích thích tiêu dùng và đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, kiều hối về nhiều cũng thể hiện mức độ hội nhập của quốc gia.
Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NH Nhà nước, các nguồn cung USD chủ lực của nước ta là xuất siêu, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài (FII), kiều hối, khách du lịch quốc tế… Nếu so sánh với nguồn cung USD năm 2019, bao gồm xuất siêu gần 10 tỉ USD; giải ngân vốn FDI hơn 20 tỉ USD thì 16,7 tỉ USD có được từ kiều hối đóng góp rất lớn cho thị trường ngoại tệ. Do cung USD cao hơn nhiều so với nhu cầu của thị trường nên năm qua, NH Nhà nước không bán ra ngoại tệ mà ngược lại còn thu mua được 20 tỉ USD, trong đó có một phần từ kiều hối.