ANA Holdings, cổ đông Nhật Bản đang nắm giữ 124,44 triệu cổ phần Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), tương ứng 8,77% vốn điều lệ vừa công bố thông tin sẽ chuyển nhượng toàn bộ quyền mua cổ phiếu của mình cho người lao động Vietnam Airlines Group mà không yêu cầu bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào.
Tỷ lệ thực hiện quyền mua đã công bố là 56,4%, tức lượng cổ phiếu được phép mua là 70,18 triệu đơn vị. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 9/8/2021 đến ngày 7/9/2021.
Hơn 70 triệu cổ phiếu thuộc quyền mua của ANA sẽ được Công đoàn Vietnam Airlines đại diện phân phối cho 15.100 người lao động, gồm gồm cán bộ, nhân viên tại công ty mẹ và 4 công ty con (VIAGS, VAECO, SKYPEC, VACS), người lao động biệt phái tại các công ty con/liên minh SkyTeam và tiếp viên người Việt Nam có giao kết hợp đồng lao động trực tiếp với công ty Alsimexco (ALS). Cụ thể, cán bộ nhân viên văn phòng và tiếp viên cơ hữu có hệ số phân bổ là 1, mỗi người được dự kiến mua tối đa 5.737 cổ phiếu; tiếp viên ALS có hệ số phân bổ là 0,5, tương ứng lượng mua tối đa 2.868 cổ phiếu.
Trước đó tại đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào trung tuần tháng 7, cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng nhằm có nguồn lực ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động của hãng hàng không. Mức giá chào bán là 10.000 đồng/cp.
Như vậy, ANA đã quyết định không chi thêm hơn 700 tỷ đồng đầu tư thêm vào Vietnam Airlines. Số tiền này được chuyển giao cho cán bộ nhân viên Vietnam Airlines Group, mỗi người trung bình 46,5 triệu đồng. Cấu trúc đại diện sở hữu cổ phần là Công đoàn có thể được áp dụng trong trường hợp này, ví dụ điển hình có thể nhìn vào trường hợp của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL).
Điều này cũng đồng nghĩa với tỷ lệ sở hữu của ANA tại Vietnam Airlines sẽ bị pha loãng, từ 8,77% còn 5,6% (vẫn còn là cổ đông lớn).
Trên thực tế, hãng hàng không Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với trình trạng tồi tệ do ảnh hưởng của COVID-19. ANA Holdings phải đẩy mạnh cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, số lỗ trong quý gần nhất (tháng 4 đến tháng 6/2021) vẫn có thể ghi nhận khoảng 680 triệu USD. Dù có hồi phục trở lại, nhưng lượng khách trong nước của ANA vẫn giảm 70% và khách quốc tế giảm 95% trong giai đoạn tháng 4 - 5 so với cùng kỳ năm 2019.
Quay trở lại với Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia hiện đang gấp rút triển khai tiến trình tăng vốn, mục tiêu hoàn thành vào cuối quý 3 năm nay. Số tiền thu được sẽ được dùng 2.050 tỷ đồng để trả nợ đến hạn tổ chức tín dụng, 3.950 tỷ đồng thanh toán nợ quá hạn cho các đối tác/nhà cung cấp, 2.000 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động để đảm bảo khả năng thanh toán.
Ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, tiến trình hồi phục của ngành hàng không phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ đạt được miễn dịch cộng đồng và chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ.