Chốt phiên 3/3, thị giá HPG sau hai phiên điều chỉnh đã bất ngờ "bốc đầu" tăng kịch trần 6,8% lên mức 50.100 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, đi kèm với thị giá tăng mạnh, cổ phiếu HPG cũng đã lập kỷ lục về thanh khoản khi khớp lệnh hơn 76,2 triệu cổ phiếu, cao kỷ lục từ khi niêm yết tới nay. Không những vậy, thanh khoản HPG còn chiếm tới hơn 12% thanh khoản sàn HoSE.
Kỷ lục được xác lập trước đó vào phiên 12/8/2021, khi khối lượng giao dịch khớp lệnh tại mã này đạt 75,5 triệu đơn vị.
Thời gian qua, trong khi nhiều nhóm ngành phân hóa mạnh, nhiều mã dẫn dắt chịu áp lực điều chỉnh lớn, cổ phiếu ngành thép lại nổi lên như một điểm sáng với hàng loạt mã bật tăng mạnh bất chấp cả những phiên thị trường chìm trong sắc đỏ. Triển vọng nhóm ngành thép trong năm 2022 được cho sẽ chịu những tác động tích cực từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, hạ tầng và thu hút FDI.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ hồi phục kinh tế, trong đó phân bổ cho phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung cho các dự án trọng điểm sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ sắt thép gia tăng. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi cũng thúc đẩy tiêu thụ thép trong nước, giá thép theo đó kỳ vọng sẽ tăng tốt. Mặc dù sản lượng tiêu thụ đi ngang, giá bán thép tăng mạnh đóng góp vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép.
Với HPG, riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, thép xây dựng Hòa Phát đã đạt 828.000 tấn, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2021. Trong đó lượng thép xây dựng xuất khẩu đã giao hàng đạt 174.000 tấn, gấp 2,6 lần cùng kỳ với các thị trường chính gồm Singapore, Hồng Kông, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia…
Với thị trường có nhiều tín hiệu khả quan, dự kiến sản lượng bán hàng thép xây dựng thành phẩm của Hòa Phát năm 2022 sẽ tăng trưởng trên 20% so với 2021.
Về diễn biến giá, định giá cổ phiếu HPG sau những nhịp chỉnh sâu trong nửa sau của năm 2021 đã giảm về mức hấp dẫn, từ đó khả năng cao sẽ thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư.