Sau gần 5 năm thi công, không gian nhà ga trung tâm Bến Thành (quận 1, TP.HCM) đã dần lộ diện hình hài, các tầng ngầm của nhà ga đang dần hoàn thiện. Đây là nhà ga hiện đại bậc nhất kết nối các tuyến metro khác như tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tuyến số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) và tuyến số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước).
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), hiện tại tiến độ thực hiện gói thầu CP1A (ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt hơn 81%. Ga ngầm này có chiều dài 236 m, rộng 60 m, sâu 32 m với quy mô 4 tầng.
Đặc biệt, điểm nhấn của nhà ga này là một "giếng trời" tại tầng 1 kết nối với mặt bằng đường phía trên, đây là một khoảng hở hình tròn lớn nằm giữa trung tâm nhà ga Bến Thành.
Theo các kỹ sư của nhà thàu MAUR, "giếng trời" này có chức năng cung cấp ánh sáng tự nhiên xuống phía dưới tầng hầm 1. Hạng mục này có đường kính 15 m, rộng 176 m, cao 6 m tính từ sàn tầng hầm 1 lên mặt đường. Sau khi hoàn thành, phía trên sẽ được lắp kính trong suốt để che mưa.
Hiện tại các tầng hầm 2, 3, 4 của nhà ga đã hoàn thành kết cấu cơ bản về phần cứng như tường, các trụ đỡ, cầu thang bộ,...
Hiện đơn vị thi công đang triển khai thi công giai đoạn 2 lối lên xuống F4, F5, F6 3 tầng dưới cùng của nhà ga. Mỗi lối lên xuống đều có thang cuốn điện và thang bộ song song.
Trong 4 tầng ngầm của nhà ga, tầng B1 gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách (sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động), phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách, văn phòng ga, phòng thiết bị, phòng xử lý không khí và môi trường, trạm điện (tuyến 4). Tầng B2 gồm ke ga tuyến 1 và tuyến 3a, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách; ngoài ra còn có văn phòng kiểm soát ke ga, phòng thiết bị PCCC và bơm cấp nước, phòng thiết bị hút và thông gió... Tầng B3 là phòng xử lý không khí, phòng cấp điện, phòng nghỉ nhân viên và ke ga tuyến 4 (trong tương lai). Tầng B4 gồm ke ga tuyến 2, nơi có tàu dừng, đỗ để đón và trả khách.
Sau Tết Nguyên đán, nhà thầu đã huy động gần 1.000 công nhân gấp rút làm việc để ga Bến Thành kịp hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Hệ thống cầu thang của nhà ga đã được hoàn thiện phần thô, các công nhân đang hoàn thiện những khâu cuối cùng chuẩn bị lắp thiết bị thang máy.
Hai bên sân ga tại tầng 2 là đường ray, nơi tàu metro qua lại đón và trả khách. Tầng này còn có văn phòng kiểm soát; phòng thiết bị phòng cháy chữa cháy - bơm cấp nước; phòng thiết bị hút, thông gió.
Hệ thống cơ điện, ống thông gió điều hoà, hệ thống nước, thông gió của nhà ga đang được các công nhân lắp đặt.
Sau khi ga ngầm Bến Thành hoàn thành, đây không chỉ là đầu mối kết nối nhiều tuyến metro, để phục vụ nhu cầu của người dân, TP.HCM sẽ còn xây dựng trung tâm thương mại ngầm Bến Thành tích hợp tại đây.
Theo thiết kế, Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có quy mô khoảng 45.000 m2 gồm khu vực cửa hàng, thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm 21.500 m2, tổng vốn đầu tư hơn 8.400 tỉ đồng.
Thời điểm này, thời tiết TP.HCM đang nắng nóng, nhưng hàng trăm công nhân metro vẫn đang gấp rút thi công giữa trời nắng để công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Đến tháng 3/2021, tiến độ hoàn thành tuyến metro số 1 đã đạt 82%. Cụ thể, gói thầu CP1A đạt 81,5%; gói CP1B đạt 91%, gói CP2 đạt 90,47% và gói CP3 là 65%. Thành phố đặt mục tiêu đưa dự án vận hành thử nghiệm trong năm 2021 và khai thác thương mại vào giữa năm 2022. Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km, có lộ trình đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP Thủ Đức và Dĩ An (Bình Dương), điểm đầu từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình, với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM có 3 ga ngầm gồm Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son cùng 11 ga trên cao.