Năm nay, những người dân trồng vải tại Lục Ngạn phải đối diện với mất mùa trầm trọng, sản lượng vải giảm mạnh, cùng với đó cảnh tượng quen thuộc khi những tuyến đường chật kín các xe chở vải cũng không còn xuất hiện, thay vào đó các lái buôn phải tìm đến tận vườn để thu mua, trong đó có những nguồn thu mua lớn từ các tỉnh phía Nam và một phần lớn khác từ những thương lái Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Văn Thi - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang - "do thời tiết bất lợi nên tổng sản lượng vải năm 2024 dự kiến đạt khoảng gần 100.000 tấn, chỉ bằng 50% so với năm 2023. Do sản lượng sụt giảm mạnh nên giá vải thiều vụ này dự báo sẽ cao hơn những năm trước”.
Do vải mất mùa trầm trọng, các thương lái phải tìm vào tận vườn để có thể mua được vải đẹp bất chấp giá cao hơn rất nhiều so với cùng kì năm ngoái, các mã vải đẹp năm nay có giá giao động từ 50-58 nghìn/kg (vào năm 2023 giá chỉ ở mức 7-9 nghìn/kg).
Lục Ngạn là một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang nổi tiếng cả nước với đặc sản vải thiều mà không vùng đất nào có được. Vải thiều Lục Ngạn khi chín có màu đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt sắc và giàu chất dinh dưỡng. Quả vải nơi đây to hơn và có hương vị đặc trưng khác hẳn vải thiều ở những vùng đất khác. Quả vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác.
Vợ chồng ông Giáp Văn Giao và bà Nguyễn Thu Xuân (thôn Tòng Lệnh 1, xã Trường Giang) trồng vải được gần 30 năm, chia sẻ: "Hàng chục năm qua, đây là năm đầu tiên nhà tôi gặp tình trạng mất mùa nặng nề như này. Những loại vải sớm như u hồng, Thanh Hà... không bị ảnh hưởng nhiều từ thời tiết như vải chính vụ. Mùa đông năm ngoái, thời điểm quan trọng để cây đâm hoa kết trái thì thời tiết rét đậm kèm với mưa nên cây tắt hoa, cùng với đó sâu bệnh cũng là nguyên nhân làm cho sản lượng giảm mạnh, cũng may thay khi giá thu mua tăng cao, kinh tế gia đình không bị ảnh hưởng".
Vải nhà ông Giao bị sâu cuống, thối hạt, sâu cũng làm vỏ xuất hiện những đốm đen, không thể sử dụng. Một số gốc vải do không ra hoa nên gia đình ông Giao không phun thuốc sâu, "có khi sâu lại lây từ cây không ra hoa sang cây ra hoa, ra quả" ông Giao chia sẻ.
Chị Giáp Thi Vân (xã Trường Giang, Lục Ngạn) :"năm nay vải mất mùa, nhưng 1 tấn năm nay bán giá được bằng 5,6 tấn năm ngoái, tính ra năm nay nhà mình được khoảng hơn 2 tấn, là bằng 12 tấn vải năm ngoái rồi", nhà chị Vân thường đổ buôn cho mối hàng bên Trung Quốc và chuyển vào các tỉnh phía Nam.
Ông Đinh Văn Trịnh (chủ vườn vải ở Lục Nam) chia sẻ: "Chỉ trong sáng nay tôi đã thu được 40 triệu đồng từ 8 tạ vải, mức giá thu mua tốt hơn nhiều so với mọi năm".
Hoạt động thu mua diễn ra vào khoảng 6h và kết thúc vào lúc 11h hàng ngày. Để quả vải được tươi ngon nhất, người dân thường phải thức dậy từ 3-4h sáng để thu hoạch, sau đó chở ra các điểm thu mua tập trung.
Hình ảnh hiếm thấy khi cầu phao Tòng Lệnh năm nay đã vắng vẻ hơn hẳn. Hàng năm, người dân xã Trường Giang phải chở vải qua cầu phao Tòng Lệnh ra quốc lộ 31 để bán. Nhưng năm nay, thương lái vào tận trong xã Trường Giang tìm mua, chủ yếu "săn" loại vải có mã đẹp với yêu cầu quả sáng màu, nhẵn, đều quả....
Một số nhà vườn không may khi vừa chịu mất mùa, sản lượng vải thu hoạch cũng không được đẹp, không thể ngã giá với các lái buôn tới tận vườn nên phải chở qua cầu phao Tòng Lệnh đi xa hơn ra dọc QL31 để giao cho các thương Những sọt vải lớn nặng 200-250kg được chở bằng xe máy đến các địa điểm thu gom lớn tại huyện như thị trấn Kim, thị trấn Chũ, phố Kép,...
Vải được thu mua sẽ được ngâm trong nước đá lạnh để giúp giữ được độ tươi trong quá trình vận chuyển, sau đó được xếp gọn vào những thùng xốp, được biết mỗi thùng xốp nặng khoảng 30kg, trong đó có 14kg vải và bên dưới là đá để giữ lạnh trong quá trình vận chuyển.
Các thùng xốp được dán kĩ càng trước khi được đưa lên container lạnh chuyên dụng để vận chuyển, được biết chuyến hàng này gồm 1350 thùng vải sẽ vận chuyển vào miền Nam cho khách hàng đặt trước.