Thị trường bất động sản bị ảnh hưởng ngắn hạn bởi dịch Covid-19
Việt Nam nằm trong số các nước hứng chịu tác động từ dịch Covid-19, trong đó, thị trường bất động sản vốn đang sôi động cũng bị ảnh hưởng với hai phân khúc bị tác động nhiều nhất là bất động sản thương mại và du lịch.
Tâm lý e ngại của khách du lịch khiến hoạt động của ngành dịch vụ lưu trú và bất động sản nghỉ dưỡng bị thiệt hại nặng nề. Thống kê từ các công ty lữ hành cho thấy, 70% khách hàng tại Việt Nam đã hủy tour vì lo sợ dịch bệnh Covid-19 do virus corona. Lượng lớn du khách từ Trung Quốc sụt giảm, nhiều du khách từ các châu lục khác hạn chế du lịch châu Á. Tình trạng các khách sạn, khu du lịch vắng khách đã xuất hiện.
Trong khi ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng đối diện với nguy cơ sụt giảm, thì những phân khúc bất động sản khác được dự báo sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi dịch bệnh virus corona như phân khúc đất nền, bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp và mảng cho thuê.
Xét về dài hạn, nếu thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, bất động sản Việt Nam có cơ hội đón đầu luồng khách du lịch cũng như nguồn vốn đầu tư lớn từ các nước.
Đối với bất động sản thương mại, giá thuê mặt bằng bán lẻ, văn phòng hay kho xưởng sẽ có thay đổi dựa vào các điều kiện thị trường. Nhìn chung trong ngắn hạn, các chủ đầu tư thương mại sẽ cần xem xét những phương pháp hỗ trợ cho các khách thuê.
Dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản trong ngắn hạn. Ảnh: V.D
Với phân khúc nhà ở, giao dịch thị trường này giảm gần 40-50%, các hoạt động mở bán, giới thiệu dự án bị hoãn lại do tâm lý nhà đầu tư. Việc tìm kiếm giao dịch nhà đất trong thời điểm này rất hạn chế.
Ông Troy Griffiths – Phó TGĐ Savills Việt Nam nhận định, nếu sự bùng phát của dịch Covid-19 do virus corona tương tự như dịch SARS năm 2003, có thể dự đoán được những thiệt hại sâu rộng tới nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020, làm ảnh hưởng đến sự linh hoạt của thị trường. Về dài hạn, thị trường sẽ xuất hiện một số thương vụ bán và chuyển nhượng ở quy mô lớn giữa các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng không nên quá bi quan về thị trường bất động sản dài hạn. Bởi sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 do virus corona đến thị trường chỉ trong vòng nửa năm, sau đó sự phục hồi sẽ trở lại vào những quý cuối năm.
Về lâu dài, khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
Trong bối cảnh những tác động từ dịch Covid-19 do virus corona lên thị trường bất động sản chưa rõ nét, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam - cho rằng, bất động sản nhà ở vẫn là nhu cầu thiết yếu. Đợt dịch này là cơ hội cho các đơn vị phát triển dự án tự nhìn lại chiến lược kinh doanh và tái cấu trúc sản phẩm, để thích ứng với những biến động có thể xảy ra.
Các không gian đô thị sinh thái, chất lượng hướng đến việc chăm sóc và tăng cường sức khỏe cho cư dân được kỳ vọng phát triển hơn. Đây là mô hình vốn không xa lạ tại Việt Nam, nhưng chưa thật sự khởi sắc.
"Sau đợt dịch Covid-19 này, thị trường sẽ có những dự án chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm nhà ở và không gian sống nhằm đảm bảo sức khỏe cho cư dân, trong bối cảnh mọi người rất lo ngại thời gian qua", ông Khương nói.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện của Tập đoàn Novaland cho biết, thời gian qua, các khái niệm về không gian sống xanh hay sinh thái đang bị lạm dụng chứ chưa thực sự đi vào thực tế. Tuy nhiên, nhu cầu của khách hàng hiện nay sẽ là một động lực quan trọng khiến các nhà phát triển dự án phải thay đổi.