Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải trên địa bàn thành phố đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian này.
Cụ thể, các hoạt động vận tải hành khách công cộng, khối lượng vận chuyển hành khách công cộng sụt giảm. Cụ thể, từ ngày 1/2 đến hết ngày 27/3, sản lượng đạt 45.100.675 lượt hành khách, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019.
Giai đoạn 2, từ ngày 28/3 - 31/3 khối lượng vận chuyển hành khách công cộng là 958.807 lượt hành khách, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự các hãng taxi, xe khách liên tỉnh, các bến xe đều sụt giảm về doanh thu, sản lượng… Giai đoạn 3, từ ngày 1/4 đến 22/4, toàn bộ các tuyến xe buýt, xe khách, taxi bị tạm ngưng hoạt động theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cách ly xã hội.
Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tạm ngưng hoạt động theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội. Ảnh: V.D
Trước những khó khăn chung của các doanh nghiệp vận tải do dịch Covid-19 gây ta, Sở GTVT đã báo cáo UBND TP.HCM về những đề xuất hỗ trợ của các doanh nghiệp về việc đề xuất hỗ trợ về lãi vay ngân hàng, thuế, phí bảo trì đường bộ…
Cụ thể, miễn, giảm lãi vay và kéo giãn thời gian vay, giãn trả nợ gốc của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, các doanh nghiệp vận tải cũng xin miễn, giảm hoặc giãn các khoản thuế có liên quan như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thuế đất, thuê đất.
Có cơ chế cho quỹ lương, thưởng phúc lợi năm 2020 từ 90% trở lên so với bình quân thực hiện năm 2019 cho các đơn vị 100% vốn do nhà nước quản lý.
Đối với lương, bảo hiểm, các doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ cho người lao động khi phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Tạm dừng hoặc kéo giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, y tế đối với người lao động, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm vật chất đối với phương tiện.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải còn mong muốn được miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phí. Về phí cầu đường (đối với các phương tiện đã mua trước: tháng, quí, năm): Hoàn trả lại hoặc kéo dài thời gian sử dụng.
Ngoài ra, về phí duy trì thiết bị giám sát hành trình: Chỉ đạo các nhà cung cấp giãn thời gian đóng phí duy trì hoạt động của thiết bị. Đối với giá dịch vụ xe, ra vào bến tại các bến xe khách liên tỉnh, các doanh nghiệp yêu cầu giảm 50% trong 3 tháng đầu kể từ ngày được hoạt động trở lại và miễn, giảm hoặc có giải pháp kéo giãn thời gian đóng phía ra vào cảng, bến thuỷ nội địa.