Theo báo Bắc Giang, bố mẹ anh Quý sinh được 6 anh chị em thì 4 người theo nghề chăn nuôi gà với quy mô từ vài nghìn đến vài chục nghìn con. Sinh ra từ làng nên anh quen với việc ruộng vườn từ nhỏ.
Ngày trước, ở quê anh nhà nào cũng nuôi vài chục con gà, ngan, vài ba con lợn, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình, thỉnh thoảng mới đem ra chợ bán nên đồng tiền mang về chẳng được bao nhiêu.
Đến khi trưởng thành, anh Quý có thời gian tham gia quân ngũ, sau đó về quê xây dựng gia đình, ngược xuôi tất bật đi chợ buôn chuyến nhằm thoát ly đồng ruộng.
Một thời gian nhìn lại anh thấy công việc vất vả nhưng thường xuyên đi xa, đồng lãi kiếm được chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu.
Với chút vốn tích luỹ, gia đình anh mua 5 ha đất ở xã Đồng Vương trồng bạch đàn, keo, song để có thu nhập từ rừng phải mất 5 - 7 năm. Trong thời gian chờ cây lớn, anh quyết định tập trung cho việc nuôi gà.
Chỉ tay về hướng trại gà nằm xen những hàng cây bạch đàn đang vươn mình thẳng tắp, anh kể: "Năm 2005, tôi nuôi khoảng 3.000 con gà lai chọi ở quanh vườn nhà. Thấy con vật có sức đề kháng tốt, lớn nhanh, ít bệnh, phù hợp với địa hình đồi núi, một năm nuôi 2 lứa, lợi nhuận thấy rõ nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư xoay vòng mở rộng quy mô".
Chăn nuôi đàn lớn cần có quỹ đất rộng và bảo đảm vệ sinh môi trường, năm 2007, anh lập trại gà ở thôn Ngò 2, mua thêm các khoảnh vườn tạp lân cận mở rộng diện tích lên hơn 5,4 ha. Trang trại gà nằm trên đồi, xung quanh là keo, bạch đàn vừa lấy gỗ vừa tạo không gian thoáng mát cho gà sinh trưởng, tận dụng được nguồn chất thải chăm bón cho cây trồng.
Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, gần 20 năm từ mô hình nuôi 3.000 con gà lai chọi, đến cuối năm 2023 gia đình anh Quý đã có tổng số khoảng 50.000 con gà các lứa với tổng doanh thu năm 2022 đạt 8,7 tỷ đồng, trừ chi phí anh thu lãi 2,4 tỷ đồng.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Nguyễn Hữu Quý chia sẻ, anh lựa chọn gà lai chọi để chăn nuôi vì giống gà này có rất nhiều ưu điểm. Đó là con gà khỏe mạnh, khi thả ra môi trường vườn đồi rộng 5,4ha, gà đi lại nhiều nên thịt săn chắc và giá bán cao hơn từ 7-8 giá so với gà nuôi trong hệ thống chuồng kín. Bằng việc nuôi gối nhau, gia đình anh luôn có gà xuất bán quanh năm, đảm bảo cung cấp ra thị trường với giá thành ổn định.
Về cách chăn nuôi, xuất phát từ đặc tính gà nuôi trên núi yên tĩnh, ít tiếp xúc với tiếng ồn nên thời kỳ đầu anh thường xuyên cho gà nghe nhạc bằng cách lắp hệ thống loa trong chuồng, giúp vật nuôi không hoảng loạn khi có người đến cho ăn, dọn vệ sinh đồng thời nhanh nhẹn, khỏe mạnh hơn. Anh còn áp dụng công nghệ sinh học; lắp hệ thống cho ăn, uống nước tự động.
Sau mỗi lứa xuất chuồng, anh rắc vôi khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, để ngơi chuồng chừng ba tháng cho sạch mầm bệnh mới tiếp tục thả lứa gà tiếp theo. Chăn nuôi ở khu đồi biệt lập song công tác vệ sinh luôn được quan tâm, toàn bộ chất thải, vỏ bao bì, chai, lọ từ hoạt động chăn nuôi đều được anh thu gom, xử lý. Riêng phân gà ủ mục tái sử dụng để chăm bón cho cây rừng.
Trung bình mỗi ngày tổng chi phí cám, điện, nước... lên tới 38- 40 triệu đồng. Số tiền không hề nhỏ. Lịch làm việc mỗi ngày đều kín. Công việc được người chủ trang trại ghi chép tỉ mỉ "đầu vào", "đầu ra", lịch hẹn giao dịch để giám sát, quản lý. Anh còn chuẩn bị lắp thêm camera và mạng internet để thuận tiện cho việc giám sát chuồng trại 24/24 giờ.
Đặc biệt, để có được đàn gà khỏe mạnh, lớn nhanh, ít bệnh tật, gia đình anh thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, cách chăm sóc gà qua từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Giai đoạn chọn gà con giống tìm hiểu nguồn gốc gà bố mẹ phải to khỏe, gà con khi nở ra phải mập mạp, chân tươi, mắt sáng.
"Trong tháng đầu tiên, trang trại sử dụng đầy đủ các loại vaccine để phòng các loại bệnh, như dịch tả, tụ huyết trùng, Gumboro… và đặc biệt dịch cúm H5N1. Cùng với đó, vườn thả gà được khoanh lưới để đảm bảo gà không tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài" - anh Quý thông tin với Dân Việt .
Với hơn 20 dãy chuồng gà được xây dựng dưới tán cây keo trên đồi, trang trại của gia đình anh Quý đã tạo công ăn việc làm tại chỗ cho hội viên, nông dân và con em hộ viên, nông dân trong địa bàn thôn từ 8 - 14 lao động cho thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/người/tháng và hằng năm hỗ trợ giống, vốn cho từ 7– 9 hộ nghèo khó khăn.
Tại địa phương, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 Nguyễn Hữu Quý còn là tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi gà. Hàng năm anh tư vấn, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi gà trong thôn, trong xã và chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người đến thăm quan mô hình. Mỗi năm hỗ trợ giống, vốn cho từ 7– 9 hộ nghèo khó khăn về giống, vốn.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đánh giá, anh Nguyễn Hữu Quý là một trong những nông dân trẻ tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh, đặc biệt trên địa bàn huyện Yên Thế.
"Hàng năm anh Quý không chỉ là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cho thu nhập cao mà anh còn là người luôn luôn gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các hộ cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực sản xuất kinh doanh và anh đã là hộ liên kết giữa nông dân với nông dân trong giúp đỡ nông dân đầu vào, khoa học kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm gà đồi Yên Thế"- ông Đoàn nói.
Với những thành công đạt được, anh Nguyễn Hữu Quý đã nhận được Bằng khen của UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2022. Năm 2023, anh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là nông dân Việt Nam xuất sắc.