Bất chấp những khó khăn ngày càng căng thẳng, chính phủ và các doanh nghiệp lại chưa thống nhất đưa ra giải pháp. Trong khi đó, người tiêu dùng nước này thậm chí không thể mua sữa lắc tại các chi nhánh của McDonald’s, một số cửa hàng cạn kiệt thịt xông khói, sữa và bánh mì. Nhiều nơi đã cảnh báo về tình trạng khan hàng vào dịp Giáng sinh.
Ngoài ra, dịch vụ logistics chịu áp lực lớn cũng đẩy chi phí đối với các doanh nghiệp lên cao, đồng nghĩa khách hàng sẽ phải chi trả nhiều hơn. Điều này sẽ thúc đẩy lạm phát lên cao - vốn đã gặp khó vì giá dầu, cây trồng và kim loại.
Richard Walker - giám đốc điều hành chuỗi siêu thị Iceland Foods, cho biết: "Tôi không muốn người tiêu dùng hoảng loạn, nhưng những mặt hàng có sẵn chưa bao giờ khan hiếm đến vậy. Mọi thứ ngày càng tồi tệ và bạn có thể nhìn rõ khi bước vào các siêu thị, cửa hàng."
Thế giới đang chứng kiến "cuộc tranh giành" khốc liệt đối với các loại hàng hoá, từ thực phẩm tươi sống đến phụ tùng ô tô. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu tăng cao sau một thời gian dài đình trệ, cùng với đó là nguồn cung bị siết chặt, thiếu nhân công và sự gián đoạn ở các cảng.
Lượng đơn hàng của các nhà cung cấp và nhu cầu dự kiến so với lượng hàng sẵn có.
Tuy nhiên, sự căng thẳng ở Anh lại thêm phần trầm trọng khi đối diện với Brexit - vốn đã làm phức tạp cho quá trình tuyển dụng từ EU. Việc các siêu thị thiếu hụt hàng hóa đã khiến "cuộc chia tay" này thêm phần đau đớn.
Khi các nhà vận tải và nhà bán lẻ nỗ lực thích ứng, họ cũng cần đến sự trợ giúp của chính phủ. Họ muốn các tài xế xe tải từ EU được cấp visa đặc biệt để nhanh chóng bù đắp cho 100.000 lao động đang thiếu hụt.
Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra quyết định, họ cho rằng các doanh nghiệp cần đưa ra mức lương hấp dẫn hơn. Trong khi đó, doanh nghiệp lại cho biết việc tuyển dụng và đào tạo sẽ mất nhiều thời gian, còn nhóm tài xế lành nghề ở EU lại dễ tiếp cận hơn.
Các công ty đang gặp rất nhiều khó khăn khi mùa Giáng sinh đang đến gần. Các cửa hàng cần hàng tích trữ cho mùa mua sắm cao điểm, nhưng họ lại không thể vì công suất giao hàng đang bị hạn chế, chỉ đủ để… bày hàng trên kệ.
Một số nhà bán lẻ lớn như Wm Morrison Supermarkets đang cử các xe tải riêng của họ đến để lấy hàng. Nhiều doanh nghiệp phải giảm hoặc ngừng áp dụng các khoản phạt nếu nhà cung cấp chậm trễ giao hàng. Thậm chí, họ phải đưa ra các khoản thưởng để thu hút các tài xế mới. Nhà bán lẻ Dixons Carphone đồ điện tử đang trang trải chi phí đào tạo và kiểm tra cho những ứng viên muốn trở thành tài xế chở hàng hạng nặng.
Vấn đề này đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngay ở toàn bộ chuỗi cung ứng, họ gặp nhiều rào cản trong quá trình giao hàng. Một báo cáo công bố hôm thứ Năm cho thấy 7% doanh nghiệp không nhận được hàng hóa hoặc dịch vụ thiết yếu ngay trong nước Anh vào 2 tuần trước đó. Ngoài ra, lượng hàng dự trữ ở nhiều công ty đang thấp hơn mức bình thường.
Mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra khắp các công ty. Peder Tuborgh, giám đốc điều hành của công ty sữa Đan Mạch Arla Foods - một nhà cung cấp bơ và sữa lớn, cho biết: "Vấn đề không phải là chúng tôi không có hoặc không thể sản xuất hàng hóa, mà là vấn đề thiếu tài xế. Tình hình một phần là do Brexit gây ra."
Đằng sau vấn đề thiếu hụt thực phẩm, các ngành khác tại Anh cũng đang gặp khủng hoảng. Do ảnh hưởng từ các yếu tố trên toàn cầu và trong nước - từ vận chuyển container cho đến vấn đề nhập cư, cuộc khủng hoảng nguồn cung sẽ còn kéo dài. Mỗi tuần trôi qua, các chuỗi giao hàng phức tạp đều phải được nâng cấp, điều này làm tăng chi phí và giảm tỷ suất lợi nhuận.
Tham khảo Bloomberg