Công ty THNN MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu là một trong số ít công ty lâm nghiệp có hoạt động khép kín chuỗi sản xuất từ cây giống tới chế biến, đưa sản phẩm gỗ ra thị trường. Hiện nay, công ty đang quản lý 6 lâm trường với diện tích 30.000ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 21.180ha, rừng sản xuất kinh doanh khoảng 9.300ha.
Ông Nguyễn Văn Khang, Phó Tổng giám đốc Công ty THNN MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu cho biết, hơn 10 năm trước, Ban giám đốc Công ty đã có quyết định táo bạo là đi vay tiền để trồng rừng gỗ lớn. "Thời điểm đó, cán bộ, nhân viên công ty lặn lội ra tận Phú Thọ để học hỏi, nắm bắt kỹ thuật làm vườn ươm giống. Đến nay, công ty có đầy đủ hệ thống vườn ươm, cho tới trồng rừng và nhà máy chế biến gỗ ván ghép thanh hiện đại".
Do tầm nhìn xa trông rộng về việc chủ động nguồn nguyên liệu gỗ lớn, đến nay nguồn nguyên liệu gỗ do công ty sản xuất ra không chỉ đủ cung cấp cho hoạt động Xí nghiệp chế biến nông lâm sản Sông Hiếu (đơn vị trực thuộc Công ty) và Công ty Cổ phần ván nhân tạo Tân Việt Trung ở KCN Nam Cấm (công ty liên doanh) mà còn bán cho nhà máy chế biến gỗ khác trong tỉnh vốn đang thiếu gỗ lớn để làm ván thanh.
Ông Dương Ngọc Thành, người trực tiếp làm việc tại Xí nghiệp chế biến nông lâm sản Sông Hiếu cho biết, tháng 10/2019, công ty tiếp tục đưa dây chuyền máy ghép thanh trị giá trên 9 tỷ đồng vào hoạt động để nâng cao năng lực chế biến và giá trị sản phẩm gỗ.
"Sản phẩm gỗ ghép thanh làm ra đến đâu, bán hết đến đó" - ông Thành nói và cho biết: Cứ 3,8m3 gỗ tròn thì làm ra 1m3 gỗ ván ghép thanh. Gỗ tròn có giá khoảng 1,1-1,2 triệu đồng trong khi giá bán 1m3 gỗ ván ghép thanh dao động từ 12-14 triệu đồng. Như vậy, thông qua chế biến giá trị đã được nâng lên cao gấp 3 lần.
Theo ông Thành, trừ chi phí, nhân công thì 1m3 ván ghép thanh lãi 1 triệu đồng. Quan trọng hơn công ty đã tạo công ăn việc làm cho 40 lao động ở địa phương với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người. Hiện nay, Xí nghiệp đang sản xuất 2 cỡ ván ghép thanh là 1,2mx2,4m và 1,22mx2,44m (làm hàng xuất khẩu).