Thất bại vì trồng cây "lạ"
Cà chua thân gỗ (còn gọi là cà chua Magic-S) có xuất xứ từ Nam Mỹ, được du nhập vào Việt Nam bằng con đường trao đổi giống. Cho rằng cà chua thân gỗ có thể cho thu nhập “khủng” theo lời quảng cáo của người bán cây giống, một số nông dân tại Tây Nguyên đã trồng loại cây này với hy vọng đổi đời.
Đầu năm 2017, loại cà chua này được canh tác đại trà tại Lâm Đồng, trong đó có sự tham gia của một số doanh nhân, hợp tác xã (HTX). Hiện nay, diện tích cà chua thân gỗ trên toàn tỉnh Lâm Đồng đã đạt gần 30ha, trong đó có có 12ha cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp Magic S Rạng Đông. Ảnh: VOV
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc HTX Magic-S Rạng Đông (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), cây cà chua thân gỗ hiện được trồng tại HTX đang lâm vào tình trạng khốn đốn khi sản phẩm không ai mua, khác với dự đoán ban đầu của ông và các cộng sự.
Ông Nguyễn Bá Tôn - thành viên HTX NN Magic-S Rạng Đông cũng cho biết: Từ tháng 6.2018, ông đã bán cho Cty TNHH sản xuất thực phẩm Đà Lạt bốn đợt, tổng cộng 2.891kg quả. Hai đợt đầu tiên, doanh nghiệp này thu mua với giá 150.000 đồng/kg. Hai đợt còn lại, doanh nghiệp chỉ mua với giá 150.000 đồng cho khoảng 20% quả loại 1, 80% còn lại giá chỉ 50.000 đồng/kg.
Điều này thực sự gây "sốc" bởi mức giá này hoàn toàn đối lập với giá mà vào đầu năm 2017 ông và cộng sự hy vọng bán được dựa trên thông tin thu thập được từ... dư luận trên mạng xã hội!
“Đất Đà Lạt 10 tỉ đồng/ha, trồng cây "mù mờ" là chết”!
Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 30.11, ông Nguyễn Văn Sơn-Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đã nhấn mạnh như vậy.
Giám đốc Nguyễn Văn Sơn khẳng định, ngành nông nghiệp tỉnh không quy hoạch trồng cà chua thân gỗ, cơ quan khuyến nông cũng chưa xây dựng mô hình cho loại cây này, mà chủ yếu do người dân nghe theo quảng cáo tự ý trồng thử hy vọng thu lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, do loại cà chua này rất chua, vị “lạ” nên người tiêu dùng không quen.
Đánh giá về loại cây này, Giám đốc Nguyễn Văn Sơn cho rằng, hệ sinh thái tại Lâm Đồng hoàn toàn phù hợp với cây cà chua. Thế nhưng, giá trị sử dụng chưa thể đánh giá vì trồng ra chưa biết sử dụng vào việc gì khi người dân chưa quen sử dụng.
“Khi trồng bất cứ loại cây nào, đặc biệt là cây “lạ”, giống mới, người dân cần tham khảo kỹ, ký được hợp đồng bao tiêu, xây dựng chuỗi trồng trọt - thu mua - chế biến - tiêu thụ thì mới trồng. Nông dân ta đang làm ngược lại, trồng trước rồi tìm thị trường sau. Đây là điều hết sức nguy hiểm” - ông Sơn nói.