Chị N.O (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở, lô đất mua Bắc Giang hơn 2 năm nay vẫn chưa tìm được người mua. Trước đó, chị thấy những lô đất xung quanh được rao bán tăng tới 20-30%, chị từng mừng thầm vì nghĩ sẽ thương vụ này đã có lời. Nhưng đến khi rao bán, chị O. không tìm được khách mua. Thậm chí, hiện tại, dù hạ giá 10% so với thời điểm vào hàng nhưng người mua đều lắc đầu từ chối ngay từ khâu xem hàng.
Anh Trường (Hải Dương) cũng cho biết, tình trạng mua dễ bán khó xảy ra khá nhiều trên thị trường. Người mua xem nhiều nhưng để chốt lại rất khó. Nhà đầu tư này cho biết, lô đất anh ôm tại Hải Phòng trong tình trạng chôn vốn dù giảm 10% so với mặt bằng mới của thị trường.
(Ảnh minh hoạ)
Báo cáo thị trường quý 1 năm 2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy, quý I năm 2022, loại hình đất và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành. Tại miền Bắc, giá rao bán đất, đất nền ở miền Bắc tiếp tục tăng cao. Cụ thể, giá rao bán đất thổ cư ở Bắc Giang tăng 35%, theo sau là Hải Phòng tăng giá 29% so với trung bình năm 2021. Các tỉnh khác như Bắc Ninh, Quảng Ninh lần lượt ghi nhận giá đất đội lên 16 và 20%.
Đáng chú ý, ở Hà Nội, giá rao bán đất nền tại huyện Chương Mỹ tăng 74% so với năm 2021. Các huyện khác thuộc Hà Nội như Đông Anh tăng 20%, Gia Lâm tăng 21%, Quốc Oai tăng 26% so với năm 2021.
Tại khu vực miền Trung, giá rao bán đất nền cũng ghi nhận tăng so với năm ngoái, trong đó, Thanh Hóa tăng 35%, Khánh Hòa tăng 26% và Bình Thuận tăng 13%. Bên cạnh giá bán đất nền biến động mạnh, các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng có lượng người dùng online tìm kiếm đất nền tăng lần lượt là 41%, 35% và 32%.
Trong báo cáo thị trường nhà liền thổ của Cushman & Wakefield, cho thấy 3 tháng đầu năm 2022 giá bán nhà liền thổ trung bình tại TP.HCM đạt 7.580 USD một m2 (tương đương 173 triệu đồng), tăng 30% theo quý và tăng 42% theo năm.
Báo cáo của DKRA Việt Nam mới đây cũng đưa ra dự báo, mặt bằng giá sơ cấp thị trường bất động sản TP.HCM có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng do chi phí đầu vào tăng như giá đất, nguyên vật liệu, nhân công,… Trong khi thị trường thứ cấp ổn định, trong ngắn hạn sẽ khó có những đột biến về thanh khoản.
Nhìn tổng quan chung thị trường, giá bất động sản dường như không có dấu hiệu chững lại mà chuyển động theo chiều hướng liên tục tăng, và thiết lập mặt bằng giá mới. Giá tăng cao nhưng nghịch lý nhà đầu tư lại chật vật tìm khách chốt.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu (Savills Hà Nội) nhận định, những nhà đầu tư đã bị "mắc kẹt" do mua đất vào các đợt sốt nóng, trong khi sự phát triển hạ tầng, dịch vụ chưa theo kịp. Giá nhà đất chào bán cao nhưng không dễ bán đang làm khó chính các chủ đầu tư dự án dự định tung hàng trong năm 2022. Thực tế, một số dự án liền kề, shophouse đã đưa ra mức giá bán tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng không dễ tìm người mua.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, thời gian qua, thị trường xảy ra tình trạng sốt đất tâm lý. Nhà đầu tư xuống tiền vào khu vực được dự báo có tiềm năng tăng trưởng nhưng lại bị cuốn vào cơn sốt ảo và kích sóng. Khi thông tin nóng hổi qua đi thì nhà đầu tư sẽ bị chôn vốn. Tình trạng giá chào bán tăng cao nhưng khó tìm người mua đã xuất hiện nhiều khu vực.
Các chuyên gia khuyến nghị, trong thời điểm như hiện tại, khi xuống tiền vào bất động sản, nhà đầu tư phải cân nhắc rất kỹ việc mua. Điều đầu tiên, đó là phải xem xét khả năng bán của sản phẩm trước khi nghĩ đến lợi nhuận thu được. Vì thị trường hiện tại, mua dễ, bán khó và lãi chỉ xuất hiện trên giấy. Thế nên, mới xuất hiện câu chuyện nhà đầu tư vui mừng vì mặt bằng chung thị trường khu vực mà mình xuống tiền tăng mạnh.
Nhưng đến khi rao bán, lại chẳng ai mua. Mặt bằng giá chung của thị trường đang bị đẩy lên song khả năng mua – bán thực tế lại rất hắt hiu. Đây là lý do mà nhà đầu tư xuống tiền không nên "ảo tưởng" vì giá đất tăng cao, lợi nhuận hời. Bởi chỉ khi giao dịch thực tế, họ mới biết chính xác mình lời bao nhiêu.