Vậy khó khăn trong áp dụng chuẩn mực "mới" này nằm ở đâu?
Tại buổi tọa đàm về áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro của các NHTM được tổ chức vào sáng 30/11 vừa qua tại trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, ông Lê Trung Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ 2, Cơ quan Thanh tra Giám sát, NHNN Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn từ phía cơ quan quản lý nhà nước về lộ trình áp dụng cũng như những thách thức và bài học kinh nghiệm khi triển khai Chuẩn mực Basel II tại Việt Nam.
Theo đó, khuôn khổ pháp lý triển khai Basel II dựa trên 2 thông tư mà NHNN đã ban hành là thông tư 13/2018 - TT/NHNN có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 (riêng phần ICAAP sẽ bắt đầu có hiệu lực vào 1/1/2021 với mục đích để các ngân hàng có thời gian chuẩn bị để đạt được vốn mục tiêu) và thông tư 41/2016 - TT/NHNN sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2020 sắp tới. Hiện đã có 16 ngân hàng được áp dụng chuẩn mực Basel II trước thời hạn 1/1/2020. Với các ngân hàng gặp khó khăn về tài chính, vẫn được tiếp tục áp dụng Basel I, tuy nhiên thời hạn không quá 3 năm. Thực tế, theo đánh giá của NHNN, chủ yếu đây là nhóm các ngân hàng ở diện kiểm soát đặc biệt, còn hầu hết các ngân hàng khác về cơ bản đã sẵn sàng thực hiện theo đúng lộ trình.
Nói về thách thức trong việc triển khai Basel II, ông Kiên cho rằng một phần xuất phát từ sự biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính hiện nay. Bởi mỗi cuộc khủng hoảng tài chính đều đem lại những yếu tố mới, ủy ban Basel rút ra được những bài học và sau đó sẽ cập nhật những chuẩn mực về an toàn vốn phù hợp hơn. Do vậy, các NHTM tại Việt Nam và ngay cả NHNN phải luôn luôn chủ động và linh hoạt đối với các chuẩn mực vốn mới.
Môi trường cạnh tranh ngày càng cao khiến các ngân hàng cần phải phát triển thêm hoạt động mới, sản phẩm mới, phân khúc thị trường mới, ứng dụng công nghệ mới trong khi việc quản lý rủi ro, tính toán tài sản có theo rủi ro trở nên phức tạp hơn và tiềm ẩn nhiều bất cập.
Môi trường pháp lý chưa đồng bộ, chưa áp dụng đầy đủ theo các thông lệ quốc tế cũng khiến cho việc áp dụng Basel II chưa được thuận lợi. Ví dụ như các quy định về quản lý rủi ro, Quy định về chuẩn mực kế toán liên quan đến hạch toán kế toán nợ xấu, trích lập dự phòng..., quy định về xử lý tài sản bảo đảm…
Thị trường chính thức (công cụ tài chính, bất động sản ...) ở Việt Nam chưa phát triển nên việc xác định giá trị tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, trạng thái rủi ro tín dụng đối tác, sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro còn gặp nhiều khó khăn, chưa khả thi.
Cơ sở dữ liệu (độ sâu, độ rộng, chất lượng) còn bất cập so với các tiêu chuẩn quốc tế dẫn đến việc xây dựng các hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xây dựng các mô hình rủi ro chưa đảm bảo tính chính xác. Theo đánh giá của ông Kiên, tại Việt Nam, cơ sở dữ liệu của toàn hệ thống chỉ đáp ứng khoảng 50% yêu cầu. Tuy nhiên, trong thời đại kỹ thuật số phát triển như hiện nay, đặc biệt là với công nghệ lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn (Big Data), mô hình phân tích sẽ ngày càng được cải thiện, giúp ngân hàng nâng cao khả năng quản trị rủi ro.
Tại Việt Nam hiện nay cũng chưa hình thành các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, số lượng khách hàng có xếp hạng tín nhiệm không đáng kể so với quy mô toàn thị trường.
Cũng trong buổi tọa đàm, Phó Vụ trưởng chia sẻ thêm về bài học kinh nghiệm trong việc triển khai Basel II. Ông cho rằng, việc quan trọng hàng đầu bây giờ là nhận thức đầy đủ lợi ích, tầm quan trọng của việc áp dụng Basel II, để từ đó có những hành động quyết liệt từ cấp Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và tất cả các bộ phận, đơn vị trong ngân hàng, không được coi đây là công việc của riêng quản lý rủi ro. Các NHTM cần nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo triển khai Basel II tại Ngân hàng đủ "thẩm quyền" để chỉ đạo, xử lý kịp thời trong quá trình triển khai. Bên cạnh việc tổ chức triển khai, các ngân hàng cũng phải thường xuyên giám sát kết quả, tiến độ theo kế hoạch và linh hoạt điều chỉnh khi cần thiết.